Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 là thắng lợi mở đầu của tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do chính Người sáng lập rèn luyện và lãnh đạo, đã đưa đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đây cũng chính là dấu mốc đưa nước ta, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, với thể chế Nhà nước mới – dân chủ cộng hòa; nhân dân ta, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Chính quyền nhân dân vừa mới được thành lập đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự... Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã tỉnh táo và sáng suốt đề ra những chủ trương đúng đắn, giải quyết kịp thời và có hiệu quả những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, để xây dựng thành công chính quyền nhà nước mới và tổ chức ổn định đời sống của các tầng lớp nhân dân sau cách mạng.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa". Đó là 6 nhiệm vụ khẩn thiết, sát hợp với đòi hỏi trước mắt của nước nhà: Chống nạn đói; chống nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác; thực hiện tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; xoá bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.
Một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà muốn có Hiến pháp thì phải có Quốc hội. Vì vậy, mặc dù tình hình đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề ra nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử càng sớm càng tốt.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Người đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu” để lập nên Quốc hội rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy hợp hiến, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Như vậy nước ta mới có cơ sở pháp lý vững chắc để làm việc với quân đồng minh, mới có quan hệ quốc tế bình đẳng, mới thiết lập được một cơ chế quyền lực hợp pháp theo đúng thông lệ của một Nhà nước pháp quyền hiện đại. Sau đó (ngày 20/9), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bên cạnh việc triển khai những công việc hành chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo kêu gọi những người có tài có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước. Đặc biệt, trong bài Ý nghĩa tổng tuyển cử đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ngày 31/12/1945, Người nêu rõ: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Dưới sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc bầu cử đầu tiên của dân tộc thể hiện một bầu không khí dân chủ thực sự, trong tất cả mọi khâu, từ việc giới thiệu người ra ứng cử đến việc tuyên truyền, tranh cử...
Ngày 6/1/1946, gần 95% tổng số cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử là một minh chứng hùng hồn nói lên cơ sở pháp lý vững chắc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên, lập ra các tổ chức, bộ máy và các chức vụ chính thức của Nhà nước. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp đầu tiên. Đây chính là Chính phủ có đầy đủ tư cách pháp lý để giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề đối nội và đối ngoại ở nước ta.
Để kiện toàn bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt sắc lệnh về hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ mới, trọng tâm là việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không chỉ thường xuyên viết báo, Người còn viết Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Thư gửi các đồng chí Trung bộ, Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ... yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nhớ đến những đức tính mà đã là cán bộ thì cần phải có.
Cụ thể như: Không tự kiêu, không có cái bệnh làm "quan cách mạng"; phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm; cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm; trung thành với mục đích cách mạng "giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”.
Đồng thời Người cũng chỉ ra "những lầm lỗi rất nặng nề" trong một số cán bộ như: Cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo và chỉ rõ: "Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào việc củng cố chính quyền cách mạng, nâng cao lòng tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền mới.
Thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh xây dựng nền móng chế độ mới, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân sau cách mạng tháng Tám 1945 có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn. Nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ, dân sinh càng thêm tin tưởng, gắn bó và quyết tâm bảo vệ chế độ mới.
Đó là sức mạnh để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng thù trong giặc ngoài. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo và dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ tối cao, ngọn cờ đoàn kết, ngôi sao dẫn đường, người lính ở tuyến đầu vâng lệnh quốc dân ra mặt trận.
Những bức ảnh quý lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa
Sáng nay, tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm (20/2/1947 – 20/2/2022).
Điều đặc biệt của điếu văn Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ
Điếu văn chứa đựng tình cảm, tinh hoa trí tuệ của các lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng… và ông Đống Ngạc dành cho Người.
Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Truman và Nixon
Các bức thư, điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman và Richard Nixon được trưng bày tại Đường Xoài Khu di tích tại Phủ Chủ tịch.
Vườn ươm 'hạt giống đỏ' quý báu của Bác Hồ dành cho miền Nam
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc dành cho miền Nam".