Cuộc đấu tranh với những “kẻ thù”
Tại Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam (ngày 30/9/2023), Chủ tịch nước nói: “Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hoá và đi ngược lại xu thế của thời đại…”.
Chính vì thế, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhìn nhận sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. “Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”, ông nói.
Nhận định sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hoá và đi ngược lại xu thế của thời đại… là “kẻ thù” của đất nước của Chủ tịch Võ Văn Thưởng rất thỏa đáng với thực tiễn xã hội hiện nay.
Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận các vấn nạn dối trá, cơ hội, tham nhũng, bảo thủ, chạy chức chạy quyền, thấy đúng không dám ủng hộ, thấy sai không dám đấu tranh của một bộ phận cán bộ đảng viên trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị là lực cản lớn nhất đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Trong nhiều năm qua, mặc dù cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và các vấn nạn tiêu cực diễn ra rất quyết liệt nhưng không ít kẻ cơ hội, bảo thủ “đi ngược lại xu thế của thời đại” vẫn chui sâu leo cao vào bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để trục lợi, bòn rút ngân khố, tài sản quốc gia; tàn phá tài nguyên, hủy hoại môi trường tự nhiên; làm tổn hại môi trường kinh tế, chính trị, xã hội.
Không những vậy, sự tha hóa biến chất của một bộ phận quan chức đã và đang làm ảnh hưởng lớn niềm tin của nhân dân đối với cán bộ đảng viên; đối với Đảng, với chế độ. Vì vậy, Chủ tịch nước xác định cuộc đấu tranh với các phần tử bảo thủ, thoái hóa biến chất là cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” là hoàn toàn xác đáng.
Trung thực, quả cảm
Tại sao Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu “Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”?
Trước đó, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về Công tác kiểm tra, giám sát và đặt ra yêu cầu phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tiếp đến Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Lòng tham lam, sự giả dối còn tồn tại, thậm chí có lúc có nơi chúng cấu kết với nhau tác oai tác quái như trong đại dịch covid-19 và hàng loạt đại án kinh tế trong những năm gần đây.
Không ít những kẻ cơ hội vẫn trà trộn, khoác áo cán bộ đảng viên để chui sâu leo cao, gây nhiễu loạn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Ở một số địa phương, quyền tài sản của người dân còn bị xâm phạm; những người dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải còn bị trù dập; những kẻ bảo thủ đang là lực cản đối với công cuộc Đổi mới.
Một bộ phận cán bộ đảng viên sợ trách nhiệm, sợ bị quy chụp và họ tự cố thủ trong những tổ kén, buông bỏ chức trách, nhiệm vụ thì phải hâm nóng dũng khí của cán bộ đảng viên chân chính.
Vì vậy, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ đã đề ra chủ trương, giải pháp bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bôi cảnh đó, rõ ràng đặt ra và đòi hỏi phải có sự dấn thân, quả cảm đấu tranh, đả phá, loại bỏ thực trạng đó. Đất nước rất cần tiếng nói trung thực là vậy.
Cần hành lang pháp lý
Để công cuộc bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung cũng như cuộc đấu tranh với thói vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực... thật sự đi vào đời sống xã hội và trở thành nguyên tắc sống, trước hết cần phải luật hóa những quan điểm đó chi tiết, cụ thể.
Trong nhà nước pháp quyền nói chung mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, không ai được phép đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật.
Cho nên cán bộ chỉ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; quả cảm nói thẳng, nói thật khi quan điểm tư tưởng và hành động vì nước vì dân của họ được pháp luật bảo vệ.
Không phải ngẫu nhiên mà một đại biểu Quốc hội đã phát biểu thẳng thắn trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2022), rằng có cán bộ tâm sự với ông "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Mặt khác, để những tiếng nói của lòng trung thực, sự quả cảm trở thành một luồng dư luận mạnh mẽ cần phải đề cao, tạo điều kiện và khuyến khích việc góp ý chính sách và phản biện xã hội. Đương nhiên phải là phản biện khoa học, với ý thức xây dựng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng.
Thực tiễn và lịch sử đã minh chứng, muốn cất tiếng nói trung thực, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung...; và muốn khắc phục tình trạng vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, tham nhũng, tiêu cực... thì phải đề cao tinh thần đóng góp chính sách, phản biện xã hội, nhất là vai trò của báo chí.
Bởi, góp ý chính sách và phản biện thông qua báo chí là một trong những giải pháp đóng vai trò quan trọng nhất để tạo dư luận xã hội loại bỏ thói hư tật xấu, loại bỏ tư tưởng bảo thủ; bảo vệ cái đúng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; hóa giải mâu thuẫn trong xã hội, tạo sự đồng thuận cùng vì lợi ích chung.
Nếu báo chí mạnh dạn đăng những bài góp ý trong nhiều vụ việc thì chắc hẳn đã góp phần hạn chế quy mô thiệt hại về của lẫn người như vụ Việt Á, hay chuyến bay giải cứu và không ít vụ án khác.
Góp ý chính sách hay phản biện xã hội hoàn toàn phù hợp với triết học biện chứng của Karl Marx: “Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân nó, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời”.
Nguyễn Huy Viện