Tối 28/4, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022 với chủ đề “Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái” và kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tháng Nhân đạo năm 2022 bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 31/5, trong đó cao điểm từ ngày 8-19/5. Toàn Hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để trợ giúp 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 100.000 địa chỉ nhân đạo.
Trên mảnh đất miền Trung, Chủ tịch nước bày tỏ, nơi từng viên đá, hòn sỏi ở đây đều là chứng tích của chiến tranh và thiên tai khốc liệt bậc nhất Việt Nam. Nơi mà lòng quả cảm, sức chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần vượt khó, vươn lên của đồng bào đã trở thành biểu tượng. Và cũng chính nơi đây đã in hằn hàng triệu dấu chân của những người tình nguyện, những hoạt động nhân đạo, góp phần ngăn chặn và xoa dịu bớt những đau thương, cơ cực cho người dân.
Hoạt động nhân đạo, từ thiện đã trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục luôn được Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm.
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới, đến nay, Tháng Nhân đạo đã bước sang năm thứ 5. Qua 4 năm triển khai, tháng Nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi xướng đã vận động được trên 1.500 tỷ đồng, trợ giúp trên 3,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Tháng Nhân đạo năm 2022 mang theo thông điệp mong muốn mọi người hãy kề vai, sát cánh bên nhau bằng những việc làm tử tế, ý nghĩa, thiết thực. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Từ mỗi hành động nhân ái nhỏ bé sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, một xã hội giàu nhân ái, tràn đầy tình yêu thương".
Nhắc đến đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 2020 đã khiến cho hàng trăm người chết và mất tích, chưa kể những thiệt hại to lớn về tài sản, Chủ tịch nước cho biết, trong khó khăn đó đã bừng lên mạnh mẽ tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc, của đồng bào trên mọi miền của tổ quốc. Nhiều hoạt động tình nguyện và nhân đạo đã diễn ra, góp phần xoa dịu những nỗi đau và mất mát của đồng bào miền Trung thân yêu.
Trong đại dịch Covid-19, hình ảnh của những chiến sĩ áo trắng, những tình nguyện viên đã không ngại rủi ro, xông pha tuyết đầu.
Với mong muốn Tháng Nhân đạo thực sự trở thành Tháng toàn dân làm nhân đạo, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội, Chủ tịch nước kêu gọi các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Chung sức trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, thảm họa, chiến tranh.
Dẫn câu nói của Bác Hồ: "Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên", Chủ tịch nước cho rằng việc kết nối cộng đồng, nhân rộng những hành động nhân ái, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan liên quan cần kịp thời phát hiện, ghi nhận, vinh danh và khen thưởng xứng đáng những tấm gương tình nguyện, các hoạt động nhân đạo ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương con người không giới hạn.
Hoạt động tình nguyện, nhân đạo không phải là trách nhiệm riêng có của Nhà nước hay của một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, không phân biệt công tư, đều có quyền tham gia và có trách nhiệm đóng góp làm cho mục tiêu trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Theo Chủ tịch nước, các hoạt động tình nguyện, nhân đạo phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả; không thực hiện máy móc, tự phát, lãng phí, không hiệu quả. Do đó, khuyến khích các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm với sự tham gia rộng rãi về nhân lực và tài lực của toàn xã hội.
"Hoạt động nhân đạo phải xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương thực sự chứ không phải làm màu, hình thức, hay lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để đạt được mục tiêu riêng của mình, gây xói mòn niềm tin xã hội vào những hoạt động vốn dĩ cao đẹp và thượng nghĩa như vậy. Trăng khuyết thì lại đầy song mất niềm tin sẽ khó mà tạo dựng lại", Chủ tịch nước nói.
"Không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quý của tâm hồn… mà chính lòng nhân ái mới làm nên điều cao quý ấy", Chủ tịch nước dành tặng câu châm ngôn cho tất cả những ai chưa bao giờ ngơi nghỉ những hành động gắn kết và lan tỏa yêu thương.
TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TẠI BUỔI LỄ: XEM TẠI ĐÂY
Thành Nam - Đình Thành
Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta đã được phát huy mạnh mẽ để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.