Nhân dịp kỷ niệm 31 năm Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10); Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam vào tháng 10 hàng năm; kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, sáng 28/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đại biểu người cao tuổi.
Để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh Covid-19, buổi gặp mặt được giới hạn số người và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh.
Nhân kỷ niệm các dịp quan trọng của người cao tuổi, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cán bộ, hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam, toàn thể người cao tuổi Việt Nam ở trong và ngoài nước tình cảm kính trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng sâu sắc nhất.
Chủ tịch nước đánh giá cao Hội Người cao tuổi Việt Nam từ nhiều năm qua đã có những hoạt động thiết thực, chiều sâu để phát huy tinh thần tuổi già nhưng “chí không già”, chăm lo hỗ trợ người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đến nay, 95% người cao tuổi có bảo hiểm y tế; nhiều cơ sở khám chữa bệnh có các khoa chuyên sâu dành cho người cao tuổi; đã lập hồ sơ y tế cho hàng chục triệu người cao tuổi và tổ chức khám chữa bệnh định kỳ cho hơn 4 triệu người.
Cả nước hiện có 13/63 tỉnh, thành thành lập Hội Người cao tuổi; trên 10.000 hội cơ sở trên cả nước, chiếm trên 90% số xã phường, thị trấn có người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi cả nước hiện khoảng 12% dân số, trong đó tính đến năm 2020 đã có tới 85% số người cao tuổi là hội viên của Hội người cao tuổi Việt Nam. Tỷ lệ này là rất cao, cho thấy Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực, bổ ích, hiệu quả, thu hút được người cao tuổi cả nước tham gia.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam có nhiều mô hình hiệu quả hỗ trợ người cao tuổi, như thành lập gần 10.000 quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở ở khắp các xã, phường cả nước; gần 3000 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; phát động các phong trào tuổi cao, gương sáng; mắt sáng cho người cao tuổi; chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị thông minh… Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao người cao tuổi nước ta đã rất trách nhiệm, trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống Covid-19.
Theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các thế hệ người cao tuổi đều hăng hái tham gia công tác phòng, chống dịch. Vì tiếng nói của người cao tuổi có uy tín, là trụ cột gia đình, địa phương nên nói người dân nghe.
"Có hình ảnh những cựu chiến binh, cán bộ lão thành về hưu đã 70-80 tuổi ngồi tại đầu hẻm, ngõ để canh gác những người lạ mặt ra vào để lưu ý nhắc nhở chống dịch. Nhiều cụ còn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để kiểm soát người lạ mặt vào khu phố. Có cụ già đã bán cả miếng đất nhỏ của mình để ủng hộ chống dịch. Nhiều cụ góp từng mớ rau, ổ trứng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch. Điều đó tạo không khí “bầu ơi thương lấy bí cùng” ở nước ta" - Chủ tịch nước cho biết.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện và tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn nữa. Trong đó có việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.
Nhấn mạnh người cao tuổi là trụ cột của gia đình, Chủ tịch nước đề nghị người cao tuổi tiếp tục tiếp cận các thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, kể cả học tập, để từ đó giáo dục lớp trẻ về mọi phương diện, có đạo đức, lý tưởng sống cao đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Cho biết, cả nước có 931.000 người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 8%, cao hơn tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện ở mức 4%, Chủ tịch nước đề nghị Hội người cao tuổi Việt Nam có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Chủ tịch nước mong muốn cấp ủy, chính quyền, MTTQ, hội người cao tuổi các cấp có những việc làm thiết thực hơn nữa, trong đó có vấn đề hình thành các trại dưỡng lão; vấn đề hạ tuổi được hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi. Cùng với đó là xử lý nghiêm hành vi ngược đãi người cao tuổi; có các hoạt động giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi.
"Đề nghị ngành y tế Việt Nam, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành lão khoa cần có nghiên cứu về nâng cao việc giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe. Tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay là một trong những nước cao nhất châu Á, ngang Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là thành quả của công cuộc đổi mới. Nhưng chúng ta cần thấy trên 60 tuổi đến 65 tuổi thì mức độ sống khỏe còn hạn chế, trên 65 tuổi thì ốm đau còn nhiều. Tỷ lệ người ốm đau từ 70 tuổi trở lên là rất lớn ở nước ta. Sống thọ nhưng phải sống vui, sống khỏe là rất quan trọng, chứ sống thọ mà ốm đau là vấn đề rất lớn. Đây là vấn đề ngành y tế cần nghiên cứu" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đối với các các kiến nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam về tổ chức hệ thống Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến cơ sở, chế độ chính sách đối với người cao tuổi và tổng kết, sửa đổi Luật Người cao tuổi, Chủ tịch nước giao các bộ ngành nghiên cứu để báo cáo Chủ tịch nước.
Cuộc gặp ấm cúng giữa Chủ tịch nước với kiều bào tại New York
Chủ tịch nước đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để nghe bà con Việt kiều tâm sự, chia sẻ tình cảm với quê hương, Tổ quốc.
Theo VOV