Sáng nay (1/7), tại TPHCM diễn ra lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Tham dự lễ ra mắt có Chủ tịch nước Tô Lâm; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải; Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các cục nghiệp vụ Bộ Công an; lãnh đạo UBND, công an các tỉnh, thành…
Hôm nay 1/7 là ngày đầu tiên Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở có hiệu lực thi hành sau khi được Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Tôi tin rằng đây sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, tinh nhuệ, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, từ sớm, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, không để mâu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng”.
Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (ngày 1/7) là đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để chỉ đạo lực lượng công an với vai trò nòng cốt phối hợp với các ngành, đoàn thể khác để tham mưu, triển khai đầy đủ, thống nhất, bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở; quan tâm xây dựng, bố trí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo hoạt động và chế độ chính sách cho lực lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Chủ tịch nước căn dặn cấp uỷ, chính quyền thường xuyên quan tâm tới việc tuyển chọn, chăm lo, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt là cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, mang tính chất hỗ trợ công an cấp xã; không để trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã, chính quyền cơ sở.
Trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần chú trọng xây dựng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, các điển hình trong quá trình triển khai; kịp thời có những biểu dương, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, trước mắt thành phố sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, trong các cơ quan, tổ chức và tất cả các địa bàn dân cư về Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ tịch TP lưu ý, Công an TPHCM, UBND 21 quận huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn quan tâm tới việc bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện và chế độ chính sách thường xuyên, đột xuất. Kịp thời báo cáo, đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc với thành phố trong quá trình triển khai thực hiện luật.
Tại buổi lễ, Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM công bố thành lập 4.861 tổ bảo vệ an ninh, trật tự với 15.031 thành viên tại 4.861 khu phố, ấp của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ ra mắt:
Theo mô hình, tổ bảo vệ an ninh, trật tự là lực lượng quần chúng đắc lực, là cánh tay nối dài của lực lượng CAND trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; giải quyết kịp thời, nhanh chóng, từ sớm, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, không để mâu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng.
Lực lượng tham gia tổ bảo vệ là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở khu phố, ấp, làm nòng cốt trong hỗ trợ công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Mô hình ra đời trên cơ sở kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở khu phố, ấp.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 6 nhiệm vụ chính, gồm: nắm tình hình về an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; và tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Lực lượng này được trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.
Theo quy định, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng. Tại TPHCM, theo nghị quyết của HĐND TP, tổ trưởng được hưởng hỗ trợ 6,5 triệu đồng/tháng; tổ phó 6,3 triệu đồng/tháng và tổ viên 6 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác.