Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). 

Cho ý kiến về Luật Cảnh vệ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, trước khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an ông đã trình dự thảo luật này trước Quốc hội.

Nhìn lại tiến trình lịch sử, Chủ tịch nước cho biết, công tác cảnh vệ đã hình thành từ rất lâu, từ khi có Đảng (năm 1930) đã hình thành công tác bảo vệ cán bộ chủ chốt.

Chủ tịch nước chia sẻ: "Bác Hồ về nước năm 1941, tuy chưa giành được chính quyền nhưng với yêu cầu bảo vệ lãnh tụ, chúng ta đã tiến hành công tác cảnh vệ để bảo vệ Bác, bảo vệ lãnh đạo chủ chốt của Đảng".

Từ những ngày đó đến nay cũng đã gần 100 năm, Chủ tịch nước đánh giá lực lượng cảnh vệ ngày càng trưởng thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các sự kiện quan trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế.

W-bd1197f6d08c70d2299d.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại tổ chiều nay. Ảnh: Hoàng Hà

Vì vậy, Chủ tịch nước cho rằng việc thể chế hóa thành Luật Cảnh vệ sẽ tạo hành lang pháp lý để lực lượng cảnh vệ và các lực lượng chức năng phối hợp tốt trong công tác bảo vệ, cảnh vệ. Ngoài ra, mục đích của việc sửa luật lần này còn nhằm phổ biến trong nhân dân.

"Công tác cảnh vệ được xác định là không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân - những người che chở, bảo vệ tốt nhất, vững bền nhất từ thời kỳ chưa giành được chính quyền đến thời kỳ chiến tranh và khi đất nước hòa bình.

Công tác cảnh vệ phải bảo đảm rất nhiều yêu cầu, trước hết và quan trọng nhất là bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng được cảnh vệ. Bên cạnh đó còn có ý nghĩa về mặt lễ tân nhà nước, đó là nghi thức quốc gia.

Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, nước ta đã đón tiếp rất nhiều nguyên thủ, lãnh đạo nước ngoài; có những nước khi vào nước ta muốn áp dụng quy định về cảnh vệ của nước họ nhưng điều này là không được.

Giải thích điều này, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Các bạn vào đây là quốc khách của Việt Nam, thì việc bảo đảm an toàn đó là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ Việt Nam, phải chấp hành theo luật của Việt Nam".

Hoàn cảnh, phong tục tập quán mỗi nước khác nhau nên không thể có một công thức chung trong công tác bảo vệ, cảnh vệ, "những gì phù hợp thì chúng ta đồng ý làm".

“Từ trong nước đến quốc tế phải đảm bảo yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho cho đối tượng cảnh vệ hoạt động. Việc này cũng khó khăn. Các đồng chí lãnh đạo thì luôn luôn không muốn phiền hà, rắc rối, muốn hòa nhập với nhân dân, hòa hợp với quần chúng, tiếp xúc với nhân dân, nhưng nếu xảy ra chuyện thì rất nguy hiểm", Chủ tịch nước lưu ý.

Trong điều kiện khó khăn nhưng theo Chủ tịch nước, công tác cảnh vệ đã đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua, “chúng ta rất tự hào, mọi việc triển khai rất tốt, gần như là không có sự cố”.

Chủ tịch nước cho biết, lực lượng cảnh vệ Việt Nam cũng đã đáp ứng được yêu cầu của các nước, được đánh giá rất cao, "vừa rồi đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, họ dành rất nhiều tình cảm". Chủ tịch nước chia sẻ kỷ niệm có vị Tổng thống chuẩn bị về nước, khi bước chân đến nửa cầu thang máy bay thì ông lại chạy xuống để chụp ảnh, động viên lực lượng cảnh vệ Việt Nam.

Lãnh đạo các nước, các vị khách quốc tế rất cảm phục, yên tâm vì sự an toàn của Việt Nam; họ tự do thưởng thức ẩm thực đường phố, đi dạo công viên, bờ hồ vì rất an toàn. Theo Chủ tịch nước, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các đoàn khách quốc tế cũng giúp nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của Việt Nam.

Về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam là một nước an toàn, nhiều lãnh đạo, khách du lịch đến Việt Nam đều cảm thấy yên tâm mà không bị đe dọa, khủng bố. 

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là tỷ lệ các vụ việc đâm chém đều chủ yếu dùng dao, trong khi chưa có những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó. Bởi vì có những trường hợp sử dụng dao đã gây hậu quả lớn nên cần phải có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. 

"Dao có ý nghĩa trong đời sống dân sinh. Tuy nhiên bây giờ dao sát thương lớn, kể cả dao Thái Lan, dao ăn... cũng có thể làm chết người được. Dù là để phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhưng không thể để thành yếu tố đe dọa, ảnh hưởng đến trật tự chung và phải có nền nếp để quản lý", Chủ tịch nước nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý "không thể nhầm lẫn việc dao sử dụng sinh hoạt và dao mang theo để sử dụng mục đích khác”.

Về vật liệu nổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, không được lợi dụng việc được cấp phép sử dụng thuốc nổ để làm việc khác trái quy định. Có người được cấp phép sử dụng thuốc nổ để làm mỏ hoặc các mục đích theo quy định nhưng đến lúc không dùng hết lại bán, như vậy là vi phạm, không đúng mục đích.

Chủ tịch nước khẳng định, lần sửa luật này đã giải thích rõ quy định để người dân nắm được, với mục tiêu là xây dựng xã hội lành mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hai luật được thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.