Chuyến thăm Lào là hoạt động đối ngoại đầu tiên ở nước ngoài của Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam tại kỳ họp thứ 7.

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cho biết, chuyến thăm mang ý nghĩa rất quan trọng và sâu sắc. Đây không chỉ là một sự kiện ngoại giao lớn mà còn là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam.

W-88a4cb99 3676 41f3 9478 1d0f495dafea.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Hà

"Việc Lào là quốc gia đầu tiên Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm trên cương vị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thể hiện sự coi trọng và ưu tiên đặc biệt mà Việt Nam dành cho Lào", Đại sứ Lào khẳng định.

Lào và Việt Nam là láng giềng tốt của nhau, có mối quan hệ lịch sử lâu dài, có sự hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước gắn bó trong các giai đoạn lịch sử.

Mối quan hệ đặc biệt vĩ đại Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay. 

Theo Đại sứ Lào, trong chuyến thăm hai Chủ tịch nước sẽ đánh giá lại quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua; cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc và định hướng hợp tác thời gian tới.

Đại sứ Khamphao Ernthavanh chia sẻ, hợp tác kinh tế giữa Lào và Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hai nước đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nông nghiệp và phát triển hạ tầng.

Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, với nhiều dự án đầu tư lớn từ phía Việt Nam vào Lào, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và nông nghiệp. Các dự án này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Lào mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Lãnh đạo hai nước nhiều lần nhấn mạnh cần gia tăng kết nối giữa hai nền kinh tế và cùng phối hợp chia sẻ đường lối phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Đại sứ cho rằng cần tăng cường và phát huy cơ chế hợp tác về kinh tế - thương mại hai bên từ Trung ương đến địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nhân hai bên được hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu thế mạnh của nhau.

Năm 2024 Lào làm Chủ tịch ASEAN với chủ đề “Tăng cường kết nối và năng lực ASEAN”. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết và vị trí trung tâm của ASEAN. Việt Nam có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của ASEAN. Việt Nam tích cực ủng hộ Lào làm Chủ tịch ASEAN.

3G6A1323.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm và Đại sứ Lào, trong cuộc gặp với Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor - Leste tại Hà Nội. Ảnh: VPCTN

 Đại sứ cho biết, trong cuộc gặp ngày 30/5 với các Đại sứ, Đại biện lâm thời ASEAN, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đông Nam Á luôn là gia đình của những người anh em láng giềng gần gũi, gắn bó thân thiết của Việt Nam.

"Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Lào với các nước ASEAN và các nước trong khu vực", Đại sứ nhấn mạnh.

Đưa quan hệ Việt-Lào lên tầm cao mới

Trong khi đó trả lời báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết, chuyến thăm là dịp để Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cùng các lãnh đạo Lào đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua.

Lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi, thống nhất những định hướng, chủ trương và các biện pháp lớn nhằm thúc đẩy để mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo ngày càng sâu sắc và hiệu quả...

Qua chuyến thăm này, Đảng, Nhà nước Việt Nam mong muốn chuyển ra thế giới thông điệp về mối quan hệ đặc biệt, thuỷ chung, son sắt, có một không hai trên thế giới giữa Việt Nam và Lào. Ngoài ra, khẳng định quyết tâm cùng với các bạn Lào đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Dự kiến, nhân chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng.

Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, hai nước cần tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, đặc biệt, cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; cần quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào cho mọi tầng lớp nhân dân hai nước;

Nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông-Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư, kinh doanh...

Ngoài ra, cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu phát triển mỗi nước, đồng thời, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.