Tại thành phố Bern hài hoà giữa cổ kính và hiện đại, chiều tối ngày 26/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thuỵ Sĩ đã đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Thuỵ Sĩ.
Sự kiện do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thụy Sĩ.
Trước giờ bắt đầu khoảng 30 phút, sảnh chính tại tầng 1 khách sạn Bellevue Place đã tập trung rất đông doanh nghiệp hai nước bàn thảo sôi nổi về các cơ hội đầu tư, hợp tác. Có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đã đầu tư lâu năm, hiểu rõ Việt Nam và cũng có nhiều nhà đầu tư mới quan tâm.
Khi hai nhà lãnh đạo bước vào, cộng đồng doanh nghiệp đồng đều vỗ tay chào mừng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điểm qua tình hình về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Việt Nam đang tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế. Đạt được nhiều kết quả tích cực về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, GDP năm 2020 vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch nước phát biểu tại diễn đàn. |
Trong 9 tháng 2021, GDP tăng 1,42%, lạm phát được kiểm soát, ổn định vĩ mô – Việt Nam vẫn là một trong số ít những nền kinh tế giữ được tăng trưởng dương. Theo Chủ tịch nước, vượt lên khó khăn của sự “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại 10 tháng năm 2021 tăng 22,5 % đạt 540 tỷ USD, xuất khẩu tăng 17,5%, đạt 270 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai.
Thông báo đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chủ tịch nước cho biết, trong Chiến lược phát triển KT-XH đến 2030 và Kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam tập trung vào phát huy tốt nội lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư, các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với việc thực hiện 15 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có CPTPP và EVFTA…
Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI, sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.
Năm 2021 là năm có “kỷ niệm kép” trong quan hệ Việt Nam và Thụy Sĩ, đó là kỷ niệm 50 năm Quan hệ ngoại giao và 30 năm Hợp tác phát triển. Chủ tịch nước bày tỏ, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ đã trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy với kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục,...
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong 5 năm gần đây luôn duy trì ở mức khoảng 1 tỷ USD. Trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, thì Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN.
Về đầu tư FDI, Thụy Sĩ có 181 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,92 tỷ USD, đứng thứ 20/140, vốn đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Tuy nhiên theo Chủ tịch nước, những kết quả hợp tác đạt được là đáng khích lệ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Để tăng cường quan hệ hợp tác hai nước, Chủ tịch nước gợi mở một số định hướng.
Đó là, đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi nước tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,...
Cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán, sớm ký hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA).
Chủ tịch nước và Tổng thống Thụy Sĩ chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ. |
Cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam được cung ứng vắc xin Covid-19 thông qua cơ chế COVAX, thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết tại các Hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện.
Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp hai nước.
Với tinh thần đó, Chủ tịch nước cho hay, Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở, cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Thụy Sĩ đầu tư thành công, hiệu quả và lâu dài.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ ban ngành và doanh nghiệp hai nước đã cùng thảo luận, lắng nghe để cập nhật mới nhất thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách kinh tế, đầu tư thương mại mới của hai nước, nhất là các chính sách thích ứng với đại dịch Covid-19. Các đại biểu cũng đã bàn về các giải pháp nhằm hiện thực hóa hiệu quả các tiềm năng của hai nước.
Trần Thường (từ Bern, Thụy Sĩ)
Chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Thụy Sĩ là dấu ấn, bước phát triển mới
Tổng thống Guy Parmelin cho biết ông tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là dấu ấn, bước phát triển mới trong quan hệ hai nước Việt Nam-Thụy Sĩ.