Chiều 18/10, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba (BRF 3) tiếp tục diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với 3 phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực cùng 6 diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, "Vành đai và Con đường" đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng.
Trao đổi về kinh tế số - động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước chia sẻ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi những đột phá công nghệ mới, hiện đại.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu.
Tuy nhiên, kinh tế số cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp. Hợp tác "Vành đai và Con đường" đã kịp thời nắm bắt xu thế này và đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc "Con đường tơ lụa kỹ thuật số", từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.
Chủ tịch nước chia sẻ, Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số. Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số.
Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng cao; năm 2022 đóng góp 14,26% GDP, và đang hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên 3 trụ cột.
Hợp tác về thể chế số để xây dựng quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.
Hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Chiều 18/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Tổng Thư ký António Guterres nhân kỷ niệm ngày thành lập Liên Hợp Quốc 24/10 và chúc Tổng Thư ký trên cương vị của mình tiếp tục thúc đẩy hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững, đem lại hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới.
Việt Nam luôn coi Liên Hợp Quốc là tổ chức hàng đầu vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và là người bạn tin cậy, thủy chung, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Liên Hợp Quốc triển khai nhiều hoạt động hợp tác như thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình.
Chủ tịch nước đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình nghị sự chung của chúng ta (OCA) cũng như trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển quốc gia.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên Hợp Quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực.
Tổng Thư ký António Guterres nhấn mạnh, Việt Nam là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đồng thời bày tỏ trông đợi Việt Nam đóng góp ngày càng lớn vào quản trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký António Guterres hoàn toàn nhất trí, chia sẻ các quan điểm của Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, nâng cao hiệu quả của các thể chế quốc tế.