Trong sáng 22/12 với nhiều hoạt động tại Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành 2 giờ để gặp gỡ cộng đồng người Việt, lưu học sinh Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Khmer gốc Việt tại Campuchia. Đây cũng là hoạt động cuối cùng của đoàn đại biểu Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết, Việt Nam có 3 cơ quan đại diện ngoại giao tại Campuchia đó là Đại sứ quán (gồm 25 cán bộ, nhân viên), 2 Tổng lãnh sự quán tại tỉnh Battambang và tỉnh Sihanouk (mỗi cơ quan 8 cán bộ, nhân viên). Ngoài ra còn có cơ quan bên cạnh Đại sứ quán như quân vụ, thương vụ, đại diện Bộ Công an, 4 cơ quan báo chí…
Chủ tịch nước tặng quà cho Hội người Việt Nam tại Campuchia. |
Mặc dù địa bàn có nhiều khó khăn, thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề đột xuất nhưng Đại sứ cho biết, tất cả các cơ quan luôn đoàn kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia khá đông, thời gian qua đã cùng xây dựng lên Câu lạc bộ doanh nghiệp tại Campuchia. Trong đó có Tập đoàn Viettel, 5 công ty cao su, 1 công ty trồng cây ăn quả và một số doanh nghiệp khác. Đại sứ cho biết, các doanh nghiệp đã cố gắng vươn lên và làm ăn ngày càng ổn định, hiệu quả hơn.
Đại sứ quán đã hỗ trợ làm thẻ ngoại kiều cho khoảng 66.500 người, hỗ trợ di dời, chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 2.000 người, làm tốt công tác bảo hộ công dân, cứu trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết, tình hình bà con gốc Việt tại Campuchia cơ bản ổn định và mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để bà con có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn.
Về chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước, được phía Campuchia đánh giá rất cao ý nghĩa và sự thành công, Đại sứ Tăng cho hay, báo chí sở tại đều đánh giá đây là chuyến thăm tạo xung lực mới trong quan hệ Việt Nam - Campuchia. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, tích cực, cụ thể nhiều vấn đề trên tinh thần cởi mở, chân thành.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng báo cáo với Chủ tịch nước. |
Ông Sim Chy, Tổng hội Việt Nam tại Campuchia cho biết, cộng đồng người Campuchia gốc Việt có lịch sử lâu đời, có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia và luôn hướng về quê hương, đất nước. Ngoài một bộ phận nhỏ bà con đã ổn định cuộc sống, một số thành công trong kinh doanh, đa số bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là vấn đề địa vị pháp lý, trình độ dân trí và điều kiện sống.
Cộng đồng người Campuchia gốc Việt là cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất so với các cộng đồng người Việt trên thế giới và dễ bị tổn thương nhất tại Campuchia, nhưng cũng là cộng đồng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành….
Hội người Việt Nam ở Campuchia chính thức được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 14/2/2003, ngày 9/5/2018 thì chính thức đổi tên thành Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia. Bộ Nội vụ Campuchia cũng cho phép Hội được lập Trụ sở chi nhánh Hội tại 25/25 tỉnh, thành; lập 5 Hội thành viên và được phép sử dụng con dấu phục vụ cho công tác hành chính của hội.
Bà con kiều bào ở Campuchia được quan tâm nhiều nhất
Bày tỏ sự vui mừng khi được gặp cán bộ nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng bà con người Việt Nam tại Campuchia đúng vào ngày 22/12 (77 năm thành lập QĐND Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự hy sinh, cống hiến cao cả và những mất mát to lớn của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Tại mảnh đất Phnom Penh này, khi chưa có đường Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia, cán bộ tình báo, cán bộ binh đoàn, hậu cần, đi bằng những con đường khác nhau, mang vật tư, hàng hóa, vũ khí… đưa vào các tỉnh TP.HCM và miền Tây Nam bộ.
“Ta nói như vậy để thấy sự hi sinh rất lớn lao của chúng ta với bạn, nhưng cũng là sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn với ta, khẳng định quan hệ truyền thống tốt đẹp, bền vững, lâu dài, xây dựng tình hữu nghị, hợp tác toàn diện mọi mặt, nâng cao hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa rất quan trọng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc gặp mặt. |
Nhắc lại lịch sử để cho thấy quyết tâm trong giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, bền vững lâu dài và nhiều mặt giữa hai nước, theo Chủ tịch nước "Xây dựng mối quan hệ với Campuchia là vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước ta".
"Chúng ta cố gắng giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ đó mãi mãi xanh tươi từ thế hệ ngày sang thế hệ khác", Chủ tịch nước nhấn mạnh. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia, người Campuchia gốc Việt có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
Thông báo về chuyến thăm, Chủ tịch nước cho hay, tuy chuyến thăm diễn ra ngắn nhưng kết quả mang lại đều tốt. Tại các cuộc hội kiến, tiếp xúc, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Về kết quả đã đạt được trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch nước cho biết nhiều vấn đề được quan tâm đã đạt được sự thống nhất cao như vấn đề biên giới, người Việt tại Campuchia, kết nối hai nền kinh tế, đẩy mạnh thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới.Chủ tịch nước đánh giá cao các cán bộ của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành, địa phương đã góp phần trong hoàn thiện để ký kết Biên bản cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam – Campuchia, giúp thống nhất trong đàm phán cắm mốc biên giới, thúc đẩy ký kết 7 văn kiện quan trọng là cơ sở để tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước.
“Trước đây chúng ta kỳ vọng kim ngạch hai chiều đạt 5 tỷ USD thì nay đến tháng 10-2021 đạt 9 tỷ USD, năm nay có thể đạt 10 tỷ USD, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều nhất nông sản của Campuchia, trong đó chúng ta đã tiêu thụ cho bạn 1,5 triệu tấn thóc”, Chủ tịch nước nói.
Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề biên giới, Chủ tịch nước yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm giữa các tỉnh biên giới hai nước để xử lý tốt các vấn đề.
Đối với người Việt tại Campuchia, Chủ tịch nước chia sẻ với những khó khăn và nhấn mạnh “không có bà con nào khó khăn bằng người Việt tại Campuchia”, khi địa vị pháp lý chưa vững chắc. Nhiều bà con không có giấy tờ như hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, song ông nhấn mạnh, bà con kiều bào ở Campuchia được quan tâm nhiều nhất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa.
Chủ tịch nước và bà con kiều bào, doanh nghiệp và cán bộ nhân viên Đại sứ quán. |
Chủ tịch nước cho biết, sau những kết quả đã đạt được, sẽ thảo luận với các bộ ngành, địa phương để có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa, giúp bà con sớm có giấy tờ pháp lý, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị cơ quan nhà nước, Đại sứ quán thực hiện tốt Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về kiều bào, trong đó cần chú trọng xây dựng trung tâm văn hóa, đặc biệt là văn hóa tiếng Việt, các chính sách mới cho bà con Việt kiều.
Chủ tịch nước đề nghị bà con cần chấp hành tốt hơn quy định pháp luật của nước sở tại, lo làm ăn, gương mẫu. Các cơ quan sứ quán thúc đẩy tham mưu kịp thời các quy định để tập trung giải quyết các vấn đề nổi bật, nổi cộm, các vấn đề biên giới.
Với các vấn đề chưa giải quyết được, ông yêu cầu thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn vướng mắc; giải quyết khó khăn như cửa khẩu, thu thuế, thu phí cảng biển, trách nhiệm chung trong vấn đề biên giới, hòa bình, pháp lý…
Với đề xuất của các em học sinh và hội Khmer, Chủ tịch nước đồng tình và đề nghị các cơ quan liên quan sớm có chính sách hỗ trợ cho người Việt tại Campuchia.
Trần Thường (từ Thủ đô Phnom Penh, Campuchia)
Hoàng gia Campuchia tổ chức lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Sáng 21/12, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni.