Chiều 23/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, đơn vị của tỉnh về công tác triển khai ứng phó với bão Trà Mi (bão số 6).
Tại cuộc họp, ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, hồi 13h ngày 23/10, cơn bão Trà Mi có vị trí tâm ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 123,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo đường đi của bão mạnh, diễn biến khá phức tạp, khó dự đoán, có thể đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, cấp độ rủi ro được đánh giá tương đương với cơn bão MOLAVE năm 2020 gây nhiều thiệt hại đối với địa phương này.
Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nếu như bão đổ bộ, địa phương sẽ di dời dân. Trong đó, dự kiến đối với bão mạnh sẽ di dời dân xen ghép, sơ tán tập trung là 189.673 người; đối với siêu bão, số người di dời xen ghép và sơ tán tập trung là 380.988 người.
Đại tá Nguyễn Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 54 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó có 4 tàu cá với 112 lao động đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm, dự kiến khoảng 16h chiều mai (24/10), 4 phương tiện sẽ vào bờ.
Đơn vị đã triển khai kiểm đếm, thông báo bão trực tiếp đến các phương tiện còn đang hoạt động trên biển qua các kênh như điện thoại vệ tinh, đồng thời yêu cầu các phương tiện nhanh chóng di chuyển vào khu vực an toàn và bắn pháo hiệu thông báo cho các tàu trên biển được biết.
Đồng thời cùng với chính quyền địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với phương tiện đậu tại bờ, các lồng bè trong khu vực nuôi thủy sản. Yêu cầu tất cả người dân rời khỏi phương tiện, lồng bè khi bão vào.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bão Trà Mi có đường đi rất phức tạp và kèm theo mưa lớn, do đó có nguy cơ sạt lở ở các địa phương miền núi.
“3 năm nay Quảng Nam không có cơn bão lớn, chắc chắn sẽ có tư tưởng chủ quan. Chúng ta còn 2 ngày nữa, tất cả kinh nghiệm lâu nay phải đem ra để ứng phó”, ông Bửu nhấn mạnh.
"Tôi không muốn sau bão số 6 có cán bộ bị kỷ luật"
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành; người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải thường trực trong việc phòng chống bão Trà Mi. Đồng thời tăng cường kiểm tra 4 tại chỗ, tránh nói mà không làm.
Chủ đầu tư các công trình thông báo cho đơn vị thi công có biện pháp phòng chống, thu dọn vật tư, máy móc kịp thời, tránh xảy ra thiệt hại, nhất là các công trình kè biển, sông.
Ông Dũng cũng yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên thông báo cho tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Sở NN&PTNT theo dõi tình hình, tham mưu cấm biển khi cần thiết.
"Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, người đứng đầu các sở ngành địa phương thường trực 24/24, vào cuộc kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ, vào cuộc thật sự trách nhiệm để phòng chống bão số 6, nhằm giảm nhẹ nhất thiệt hại. Tôi không muốn sau bão có cán bộ bị đình chỉ, kỷ luật", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý.