XEM CLIP:

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chiều 7/6, nhiều vấn đề trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ĐBQH đặt ra với "tư lệnh" ngành.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu về điệp khúc "được mùa mất giá", người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường. Đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. 

ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục triệt để. Trong thời gian qua, có nhiều chính sách ban hành liên quan đến lĩnh vực này, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn?

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ: “Tôi sợ nhất trong Quốc hội là câu đến bao giờ?”. Ông nêu, “Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình” nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên. Nếu có sự vào cuộc, sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

ĐB Trần Thị Hoa Ry

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại, chủ động “ra tay”, kết nối thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương. Điều này làm Bộ trưởng rất ấn tượng. Tất nhiên, mỗi vùng, miền địa phương khác nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói “đất đai Hải Dương có manh mún nhưng dứt khoát tư duy của người Hải Dương không được manh mún”. Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi. Từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác, bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi điều hành phiên chất vấn lưu ý Bộ trưởng rằng, các ĐB đang chất vấn Bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực. Vì thế, nếu câu trả lời "giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu mà nói hỏi địa phương thì vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu, Bộ trưởng thế nào?".

Ông đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, nêu rõ thực trạng, đã có chủ trương, chính sách gì, và tới đây có làm cách nào để giải quyết điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của ĐB Trần Thị Hoa Ry bàn về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào?

“Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đừng quá háo hức với nông sản xuất khẩu giá cao

ĐB Phạm Thị Mỹ Huệ (Sóc Trăng) cho biết, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế, thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện.

ĐB đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng này, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp?

Truyền thông hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật mấy trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao thế, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp. Từ dẫn chứng này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, để đưa 1 mặt hàng nông sản đến 1 kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài thì chi phí logistic và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao. Do đó, chưa thể quá háo hức. Điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không.

ĐB Phạm Thị Mỹ Huệ

Ông Hoan cho hay, khi Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP.HCM thì mới rõ bức tranh.

"Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì câu chuyện là thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu. Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước”, ông phát biểu trả lời.

Muốn xây dựng được thương hiệu nông sản ở nước ngoài trước tiên hãy làm tốt, xây dựng thương hiệu trong nước…”Người Việt Nam mà không dùng hàng của Việt Nam thì làm sao chúng tôi dùng”, ông Hoan dẫn lại câu nói của các nhà đầu tư nước ngoài và nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng trong nước là “bệ đỡ” để nông sản vươn ra thế giới.

Bây giờ ít nói đến "rau hai luống, lợn hai chuồng"

ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước Châu Âu và Mỹ.

ĐB đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cần có giải pháp gì để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững?

ĐB Hoàng Anh Công

Trả lời câu hỏi về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Hoan đã nhìn nhận có trách trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ NN&PTNT chậm thông tin để cho người dân biết và bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

Theo thống kê của bộ, có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản. Như vậy, trung bình một tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh đầy sự thay đổi, thay đổi rất nhanh chóng. Chỉ có như vậy, thương hiệu nông sản mới như đại biểu nêu.

Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã có tiến bộ rất nhiều. Trước đây, người dân, ĐBQH cũng nói nhiều đến tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng", tuy nhiên, bây giờ vấn đề này ít được nói đến hơn.

Điều đó chứng tỏ đã có thay đổi tư duy người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề quản lý nhà nước để làm được tốt hơn. "Thị trường có nhiều "cái biến", nhưng mà có cái "bất biến" là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: Phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sáng nay (8/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tài chính tiền tệ, mua sắm công và thao túng thị trường chứng khoán…

Trần Thường