Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ thứ 20, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Với công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng, phiên này dự kiến tiến hành trong 3 ngày, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật, bao gồm: Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong đó, dự Luật Phòng thủ dân sự lần đầu tiên ban hành, nâng lên từ nghị định của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm, cho ý kiến kỹ về tính thống nhất của từng dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành, phân định rõ phạm vi để bảo đảm không chồng chéo với các luật khác.
Các nội dung trong luật phải càng chi tiết càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thi hành, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, có tính khả thi, tính dự báo, theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Điều này cũng nhằm thể chế đúng như tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về việc xây dựng “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững”, “tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp”.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Những vấn đề rất cụ thể, “sát sườn”
Cũng tại kỳ họp này, Thường vụ Quốc hội xem xét 3 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng
Đây là những vấn đề rất cụ thể, “sát sườn” mà các cơ quan của Quốc hội sẽ trực tiếp triển khai thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu vừa phát huy kinh nghiệm đã có, vừa phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, cho ý kiến kỹ lưỡng về nội dung của các dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp, các luật có liên quan và tình hình thực tiễn.
Đồng thời, cũng có tính dự báo để xử lý được linh hoạt, kịp thời những vấn đề mới, khắc phục khoảng trống về pháp lý do thiếu các quy định.
Một số nội dung khác được Thường vụ cho ý kiến là dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; xem xét, quyết định việc thành lập một một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).
Trước đó Thường vụ Quốc hội đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 1) cho 94 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng.
Lần này, Chính phủ đề nghị tiếp tục phân bổ hơn 14.710 tỷ đồng trong tổng số vốn 28.862 tỷ đồng còn lại cho 129 dự án thuộc chương trình đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Đây là nội dung cần sớm triển khai để bảo đảm tiến độ các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ 3; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023.