Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và cho biết đây là báo cáo bổ sung cho phần KT-XH của Chính phủ sẽ thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, ông cho rằng, báo cáo cần nêu rõ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào còn lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thay đổi lại cách viết báo cáo, cần tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng, bám sát vào chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, vì sao năm 2020 dịch bệnh diễn ra nhưng giải ngân 98%, trong khi năm 2021 chỉ giải ngân được 83% và ba tháng đầu năm 2022 đầu tư công mới giải ngân được 11%?.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy tiết kiệm chi hơn 70 nghìn tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội nêu cần làm rõ chi tiết kiệm hơn là từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải vì con số này rất lớn. Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi phí đi công tác nước ngoài thế nào, bao nhiêu phần trăm, địa phương, bộ ngành nào nổi bật nhất và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú.
Sắp tới đây, hàng loạt dự án đầu tư quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo cần đưa các dự án vào. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, tiến độ chậm, lãng phí nguồn nhân lực như thế nào? "Nói thẳng chứ, nêu “một số dự án” là một số nào", ông nhấn mạnh.
“Nhiều dự án hết năm này sang năm khác, năm sau không tiến triển gì so với năm trước, có phải vì chúng ta (Quốc hội) không? Chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ. Khen biểu dương, anh nào chưa tốt nhắc nhở, anh nào kém phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Không nói chung chung được”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần báo cáo thẳng ra Quốc hội nội dung này và các kiến nghị với Chính phủ cũng phải kiến nghị thẳng, còn cứ nói chung chung việc nọ việc kia, hoàn thiện thể chế, tăng cường với siết chặt nhưng "siết chặt kiểu này là ngày càng lỏng".
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết về mua sắm vật tư, thiết bị, phòng chống dịch, nhưng vì sao nhiều nơi không dám mua hoặc "ách tắc". Khi có tiền, bố trí dự toán rồi nhưng không mua được hay khi mua lại sai phạm, điển hình nhất là vụ Việt Á, kit test xét nghiệm, sai phạm tại một số CDC các tỉnh...Vấn đề này báo cáo của Chính phủ phải nêu rõ.
Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng nếu không thay đổi vài con số, ngày tháng thì báo cáo vẫn y như năm trước. Cần nêu bật cả kết quả và hạn chế so với năm trước, còn với báo cáo này thì tình hình và con số đều không rõ, đồng thời không rõ cả nguyên nhân và trách nhiệm của hạn chế, yếu kém.
Còn Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lấy ví dụ xây dựng cơ bản dễ thất thoát lớn và qua vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thấy rằng tiêu cực, lãng phí rất lớn, phải xử lý hình sự nhiều cán bộ. "Năm 2022 phải chăng đi sâu kiểm tra thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, nhất là với công trình giao thông trọng điểm?", ông Mẫn gợi ý, đồng thời đề nghị tổng kết rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế, bất cập để có giải pháp phù hợp.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Trần Thường