Không dùng nguồn cải cách tiền lương chi cho việc khác
Đánh giá các dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho rằng đây là động lực kết nối, phát triển kinh tế địa phương, liên kết vùng sắp tới. Hai dự án đường vành đai 3 và 4 cũng giúp các địa phương có đường vành đai đi qua mở rộng không gian phát triển.
“Bắc Ninh là một trong số địa phương nằm trong tuyến đường dự án đường vành đai 4 đi qua. Sẽ có khoảng 25,4km đường vành đai 4 và hơn 9km đường kết nối với Nội Bài, giúp Bắc Ninh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp trong tương lai”, bà Lan phân tích.
Tuy nhiên, vấn đề Bí thư tỉnh Bắc Ninh băn khoăn hiện nay là khó khăn trong việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương), trong đó các ngân sách địa phương đã được thông qua, phê duyệt nguồn vốn, đảm bảo phù hợp.
Bà Lan đề nghị cần tính toán đảm bảo vốn, cho phép các tỉnh sử dụng các nguồn từ nguồn cải cách tiền lương.
“Bắc Ninh hiện ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định, vẫn còn một nguồn dự phòng, đề nghị cho phép áp dụng nguồn lực cải cách tiền lương để triển khai các dự án quan trọng, như dự án tuyến đường cao tốc đi qua địa phương. Trường hợp thiếu, địa phương sẽ xin trung ương cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu”, Bí thư Bắc Ninh nói.
Từ đó, nữ ĐB đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, thể chế hoá trong Nghị quyết của Quốc hội để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không nên đặt ra vấn đề này ở đây vì đụng chạm tới Nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khoản vượt thu ngân sách trung ương 2021 gần 22.000 tỷ đồng được quyết định để cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hàng tháng, mà tiền lương không phải chi 1 lần, mà đây là khoản chi thường xuyên hằng năm.
“Nhiều địa phương nghĩ đủ tiền cải cách tiền lương là chỉ chi 1 năm thôi, không phải vậy. Sau Covid-19 dự trữ tài chính cũng tiêu một khoản rồi. Giờ hàng năm muốn điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức mà không được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho nên, Quốc hội đã có Nghị quyết, quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. “Phải dành nguồn này cho cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, “cải cách” không đơn thuần là điều chỉnh mức tiền lương cơ sở 7%, còn khoản chênh lệch, điều chỉnh bước, bậc, hệ số lương nên tổng tiền cần cho cải cách tiền lương tương đối lớn.
“Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỷ đồng cải cách tiền lương, cả nhiệm kỳ (5 năm) sẽ cần tới 25.000 tỷ đồng cho việc này. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều”, ông Vương Đình Huệ phân tích.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, chúng ta đã hoãn việc cải cách tiền lương vài năm rồi, và 3 năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức. Nên cần dành nguồn tiền này để cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác.
Vì vậy, Chính phủ, Thường vụ Quốc hội lần này trình, báo cáo Quốc hội không đặt ra vấn đề dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai này.
“Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cao tốc”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Dự án vành đai 3 sẽ được ưu tiên đặc biệt
Nhấn mạnh quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ là cố gắng tạo đồng thuận cao để tổ chức thực hiện quyết liệt, kết thúc năm 2025 có thêm những km đường cao tốc nhất định, tạo ra đột phá cho kết cấu hạ tầng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần này sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM do tính cấp bách của dự án này.
Theo đó, sẽ cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án này vào năm 2025. Quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Dự án đường vành đai 3 thực tế đã “ấp ủ” làm cách đây 11 năm, dự án này không chỉ cho miền Đông và kết nối cả miền Tây Nam Bộ. Vì vậy, riêng dự án vành đai 3 sẽ được ưu tiên đặc biệt về vốn, tiến độ, phấn đấu hết 2025 hoàn thành.
Còn dự án đường vành đai 4 và 3 dự án đường cao tốc Chính phủ trình, đã thống nhất giãn tiến độ một năm. Lùi như vậy sẽ khả thi trong tổ chức thực hiện, không căng thẳng về vốn, và dành được vốn nhất định trong đầu tư công trung hạn kỳ này để bổ sung cho danh mục dự án, nhiệm vụ của một số địa phương thuộc gói kích thích kinh tế.
Chẳng hạn, dự án đường Hoà Bình - Sơn La cần 9.000 tỷ đồng nữa để hoàn thành, trước đây chỉ tính toán bố trí vốn được khoảng 4.000 tỷ đồng. Giờ nhờ cách cơ cấu lại nguồn lực thế này, có thể dành một phần vốn cho đoạn tuyến này, sẽ có thể kết nối xong đoạn Hà Nội đi Hoà Bình lên Sơn La, cả tuyến Tây Bắc được lợi.
Còn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, quy hoạch vành đai 3 từ năm 2011 đến nay đã 11 năm, ông nhận định “nếu chúng ta triển khai ngay sau khi có quy hoạch, chắc chắn chi phí GPMB giảm 1/10 so với bây giờ”.
Ông Mãi cho biết, lúc đầu đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng vành đai 3 theo hình thức PPP, nhưng sau nghiên cứu các phương án nhận thấy PPP không khả thi. Với lý do, đóng góp của ngân sách nhà nước trong các phương án PPP phải đến 82%, vượt quy định của pháp luật là "vốn ngân sách trong các dự án PPP không quá 50%". Ngay khi vốn ngân sách tham gia tới 82% thì thời gian thu hồi vốn là 28 năm. “Thời gian này quá dài và không hấp dẫn các nhà đầu tư”, lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Vì vậy, UBND TP.HCM báo cáo các bộ ngành sau đó trình Chính phủ quyết định trình Quốc hội đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.
Chủ tịch TP.HCM bày tỏ, đường vành đai 3 được triển khai sớm hoàn thành sẽ giúp TP.HCM và các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng trọng điểm phía Nam giải điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược.
Nếu có vành đai 3, việc “xuyên tâm” TP.HCM và một số vị trí ở các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết; tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistic.
“Giải quyết điểm nghẽn và tạo một tuyến giao thông chiến lược là việc chúng ta thấy rất rõ”, ông Mãi nêu ưu điểm khi dự án hoàn thành.
Mặt khác, khi vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh, mà tác động lan toả ra cả khu vực phía Nam, đồng thời kết nối vùng. Ông cho biết, trong tờ trình Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đã nói rất kỹ, vành đai 3 là điểm đầu kết nối của rất nhiều tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Ngoài ra còn mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, có 2 việc mà các ĐBQH rất băn khoăn là công tác giải phóng mặt bằng. Đó là, việc tạo sự đồng thuận để bà con nhường đất, đây là việc rất quan trọng.
“Làm sao ổn định chỗ ở cho bà con, làm sao để bồi thường tương đối, làm sao để bà con chuyển đổi nghề, ổn định sinh kế... TP.HCM đã có kế hoạch”, ông nói.
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM sẽ cùng các địa phương tổ chức hội nghị ngay để triển khai kế hoạch rất chi tiết này.
Để giải phóng mặt bằng nhanh, TP.HCM đang rà soát quỹ nhà tái định cư hiện có để tạm cư, không để bà con phải đi ra ngoài tự thuê mướn.
Trong chính sách bồi thường, có thể gồm cả việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế, tinh thần là chỗ ở mới phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. “Sinh kế, nghề nghiệp phải bảo đảm cho cuộc sống của bà con được ổn định”, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.
Thu Hằng - Trần Thường