Chiều 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực ủy ban tán thành nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, Ủy ban quan tâm đến công tác luật hóa mô hình chính quyền các cấp của Hà Nội, bao gồm mô hình chính quyền đô thị và tổ chức hoạt động của HĐND.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ủng hộ phân cấp, trao quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội trong quyết định tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, trao quyền cũng phải gắn với trách nhiệm và kiểm soát việc thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, TP Hà Nội với vai trò là trung tâm của vùng nên dự luật cần xác định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển phù hợp. Ông khiến nghị kiểm soát chặt chẽ dân số khu vực nội đô lịch sử, cùng với đó là bảo vệ giữ gìn phát triển không gian cây xanh, mặt nước, bảo đảm kiến trúc đô thị.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, điều quan trọng nhất của luật Thủ đô (sửa đổi) là phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho thành phố phát triển.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, với các dự án có quy mô lớn (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng) nếu chờ hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội thông qua sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhưng nếu được giao, TP Hà Nội sẽ hoàn thành các dự án này.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố, nếu làm theo quy trình hiện nay thì sẽ manh mún và kéo dài. Để thực hiện đồng bộ, đảm bảo kỹ thuật và thời gian vận hành thì rất cần cơ chế dành riêng cho 10 tuyến đường sắt này.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng là luật Thủ đô (sửa đổi) phải giải quyết khó khăn, tháo gỡ được các “điểm nghẽn” cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo chương trình tại kỳ họp thứ 6 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật Thủ đô sửa đổi, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2024).
Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề cần quan tâm, làm rõ trong luật để Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa hợp tác quốc tế. Cùng với đó là những vấn đề về nguồn lực, phân cấp phân quyền để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố các thời kỳ để hoàn thiện nội dung dự thảo luật Thủ đô sửa đổi.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy đây là sản phẩm của mình, do mình và cho mình. Cả nước cũng thấy được luật Thủ đô là thực hiện đúng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.