XEM VIDEO:
Sáng 22/5, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp trù bị, các ĐBQH đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành. Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống KT-XH.
Dự án luật đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp Nhân dân. Các ý kiến tham gia sôi nổi, tập trung vào 4 vấn đề quan trọng: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ĐBQH tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và bảo đảm chất lượng để có thể thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc xem xét, ban hành những dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi)...
Kỳ họp này có đến 20 dự án, dự thảo được xem xét, cho ý kiến, thông qua, trong đó, có nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ĐBQH dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục né tránh, đùn đẩy
Về KT-XH, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021...
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…
Cần có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ĐBQH thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm...
Quốc hội sẽ giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024...
Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp. Đó là xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.