Hoạt động từ năm 2016 tại thị trường Nhật Bản, Rikkeisoft hiện là doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn thứ 2 tại đất nước "mặt trời mọc" với doanh thu lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. |
Hoạt động từ năm 2016 tại thị trường Nhật Bản, Rikkeisoft hiện là doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn thứ 2 tại đất nước "mặt trời mọc" với doanh thu lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Báo chí Nhật đã đưa thông tin về Rikkeisoft như là một hiện tượng về các công ty CNTT của Việt Nam tại Nhật khi tốc độ phát triển của công ty này liên tục năm sau gấp đôi năm trước. Và những người đồng sáng lập Rikkeisoft đã được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách những nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi.
Rikkeisoft muốn nâng giá trị của kỹ sư CNTT Việt
Theo báo cáo nhân sự CNTT của Bộ Kinh tế Nhật Bản (METI), tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT tại Nhật ngày càng nghiêm trọng. Dự kiến đến năm 2030, Nhật Bản thiếu khoảng 590.000 lao động CNTT. Đây sẽ là cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam tại Nhật Bản. Thế nhưng, thị trường xuất khẩu phần mềm sang Nhật hiện đang là cuộc chiến về giá của các công ty CNTT Việt Nam.
Theo Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng, nếu các công ty xuất khẩu phần mềm cạnh tranh về giá thì chỉ giết nhau vì không thể giữ chân được người giỏi. Vì vậy, Rikkeisoft không tham gia cuộc chiến về giá mà sẽ nâng giá trị của kỹ sư CNTT Việt Nam làm xuất khẩu phần mềm. “Hiện công ty làm xuất khẩu phần mềm chủ yếu cho 2 thị trường tiếng Nhật và tiếng Anh. Những công ty làm xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật thì đối tác Nhật chỉ cần làm thông qua kỹ sư cầu nối. Nếu làm xuất khẩu phần mềm cho Nhật sẽ có mức lương khoảng 2.500 USD/tháng cho 1 kỹ sư làm ở Việt Nam và nếu làm tại Nhật là 6.000 USD. Đây là mức lương khá thấp nếu so với mức lương kỹ sư CNTT của Nhật khi mà họ được trả khoảng 8.000 USD/tháng. Đấy là sự phân biệt trong cách trả lương, trong khi kỹ sư phần mềm Việt Nam làm việc không thua kém các kỹ sư của Nhật”, ông Tùng nói.
“Các công ty Việt Nam tạo ra giá trị tốt, năng suất tốt thì không có lý do gì chúng ta lại bị trả thấp hơn các nước khác. Vì vậy, Rikkeisoft muốn thay đổi tư duy làm xuất khẩu phần mềm để nâng giá trị cho các kỹ sư phần mềm của Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.
Theo Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng, nếu các công ty xuất khẩu phần mềm cạnh tranh về giá thì chỉ giết nhau vì không thể giữ chân được người giỏi |
Nông dân, sinh viên ngành xã hội cũng code được
Theo phân tích của Rikkeisoft, ngành phần mềm có thể chia làm 2 phần công việc là việc khó và việc dễ. Đối với phần việc dễ thì chỉ cần nhân lực tuân thủ kỷ luật và trải qua khóa học về lập trình từ 3 tháng đến nửa năm là có thể làm tốt được.
“Tôi thấy rất nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp đi chạy Garb chỉ được mức lương từ 7 – 10 triệu đồng rất là phí. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chủ yếu học các ngành xã hội ra trường về quê không xin được việc làm, số xin được việc làm thì lương ba cọc ba đồng. Họ có thể là những lực lượng có thể đào tạo học chuyển nghề và có thể làm tốt một số công việc của ngành phần mềm. Một ví dụ tại Nhật, khoảng 60% kỹ sư xuất phát từ các ngành đào tạo Văn học, Lịch sử, Địa lý không có liên quan đến CNTT. Thậm chí những người này có thể làm rất tốt cả những việc khó chứ không chỉ là những việc dễ trong lĩnh vực phần mềm”, ông Tùng nói.
Rikkeisoft sẽ tìm những người phù hợp với mức lương trung bình, còn người giỏi sẽ được trả mức lương cao, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có được 10.000 nhân sự.
Rikkeisoft muốn đóng vai trò là một công ty công nghệ quay trở lại Việt Nam để cung cấp các sản phẩm, giải pháp cho Việt Nam. |
Rikkeisoft quay về Việt Nam với dự án robot
Trong chiến lược của Rikkeisoft thì xuất khẩu phần mềm vẫn đóng vai trò trụ cột chiến lược. Thế nhưng, Rikkeisoft muốn đóng vai trò là một công ty công nghệ quay trở lại Việt Nam để cung cấp các sản phẩm, giải pháp cho Việt Nam.
Chia sẻ về hướng phát triển mới này, ông Tạ Sơn Tùng cho biết, Rikkeisoft bắt đầu nghiên cứu và triển khai sản phẩm robot cho giáo dục do bộ phận Rikkei AI thực hiện. Với kinh nghiệm làm về AI (trí tuệ nhân tạo) cho thị trường Nhật, Rikkeisoft đã đưa ra những kỹ sư giỏi để thực hiện dự án. Sở dĩ Rikkeisof nhảy vào lĩnh vực này vì đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi công ty phải có đủ nguồn lực giỏi cả phần cứng, phần mềm.
Theo phân tích của Rikkeisoft, thị trường robot đồ chơi trẻ con trong thời đại 4.0 sẽ rất lớn. Những robot của Rikkeisoft làm ra có thể chơi với trẻ con, đọc truyện và dạy trẻ con học khi bố mẹ không có nhiều thời gian cho con mình. Robot thông minh này sẽ di chuyển và giao tiếp được với trẻ bằng tiếng Việt, cùng học Toán, Tiếng Việt, nhắc lịch cho học sinh. Robot này sẽ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện giọng nói, giao tiếp lại và nhận dạng văn bản…
“Ban đầu, để sản xuất được con robot này, Rikkeisoft đã phải đến rất nhiều đối tác trên thế giới. Thế nhưng, khi quay về Việt Nam tìm hiểu thì có rất nhiều các công ty tại Việt Nam có thể sản xuất các phụ kiện cho con robot này. Rikkeisoft nhìn thấy nhu cầu thị trường này rất lớn và chúng tôi dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thể ra được sản phẩm này”, ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ.