Sáng 2/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, giải quyết kiến nghị của UBND TP Thủ Đức, quận 1, 7 và huyện Cần Giờ.
Tại đây, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao 4 địa phương đã nỗ lực trong triển khai nhiệm vụ và kế hoạch chung của thành phố.
Về triển khai nhiệm vụ năm 2024, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu 4 địa phương đặc biệt lưu ý triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội và chương trình chuyển đổi số.
Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các địa phương nghiên cứu dưới dạng đề án và đề xuất lên lãnh đạo thành phố thẩm định, phê duyệt.
“Phải chủ động, tập trung và quyết liệt, chứ không phải ngồi chờ được giao nhiệm vụ chung. Các địa phương phải quán triệt tinh thần này khi triển khai các nội dung của nghị quyết”, Chủ tịch TP Phan Văn mãi lưu ý.
Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số.
Theo ông, chuyển đổi số phải gắn với phát triển chính quyền số, xã hội số nhằm nâng cao hiệu quả của đề án “nền công vụ hiệu quả, hiệu lực” mà thành phố đang triển khai.
Một vấn đề mà ông Mãi yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm là giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông, trong năm 2023 thành phố không đạt mục tiêu đề ra, do đó cần tránh lặp lại việc này trong năm 2024.
Ông yêu cầu các địa phương thí điểm chọn một số công trình, dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ, đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công đúng hạn.
Cũng theo ông Mãi, trọng tâm đầu năm 2024 là việc phối hợp giữa các địa phương với các sở, ngành giải quyết rốt ráo các vấn đề phát sinh, tồn đọng.
“Qua báo cáo tổng hợp và các ý kiến phát biểu, tôi thấy chúng ta phát hiện sớm vấn đề, nêu vấn đề cụ thể nhưng giải quyết chưa thấu đáo. Điều đó cho thấy sự phối hợp giữa các quận, huyện và các sở, ngành còn chậm, chưa đồng bộ”, ông Mãi đánh giá.
Theo ông Mãi, cần thành lập nhiều tổ công tác, vận dụng cơ chế liên ngành để giải quyết các phát sinh, vướng mắc ngay trong tháng 3. Những vấn đề vượt tầm thì báo cáo lên lãnh đạo thành phố để có hướng giải quyết phù hợp.
Cuối cùng, người đứng đầu chính quyền thành phố lưu ý, các địa phương cần lồng ghép các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào nhiệm vụ năm 2024.
Những công trình đăng ký chào mừng không cần phải lớn lao, không mang tính phong trào. Điều cần nhất là ý nghĩa của các công trình, nhất là hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Làm sao để người dân tiếp cận được các điều kiện cơ bản nhất trong cuộc sống. Có như vậy, người dân mới cảm nhận được ý nghĩa và thành quả của sự kiện trọng đại này.
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị các cơ quan rà soát và thực hiện đầu tư các công trình dù nhỏ, nhưng có thể cải thiện điều kiện sống của người dân về vấn đề môi trường, đô thị. TP.HCM có thể dành một khoản đầu tư công để thực hiện việc này.
“Chúng ta cứ chăm lo, hỗ trợ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi trong khi địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng ngập nước, ô nhiễm, kẹt xe…thì khó mà chấp nhận được”, Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý.
Trước đó, nêu ý kiến tại buổi làm việc, các địa phương cho rằng, nhiều đề xuất vẫn chưa nhận được ý kiến phối hợp từ phía các sở, ngành.
Đại diện quận 1, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy cho rằng, nhiều nội dung xin ý kiến đã lâu, hết sức cụ thể, dù sở, ngành có văn bản nhưng vẫn còn vướng, cần phối hợp hỗ trợ thêm cho quận. Bà Nga mong các sở, ngành đã hứa thì phải làm.
Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng kiến nghị Chủ tịch UBND TP giải quyết 7 nội dung, trong đó đề nghị ủy quyền cho TP Thủ Đức quản lý và tự cân đối, sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương.
Các địa phương khác thì yêu cầu các kiến nghị lấy ý kiến các sở, ngành cần có sự phản hồi sớm...