Chiều 30/8, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9/2023.
Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phê bình một số sở ngành “im lặng” khi các sở khác trao đổi hoặc xin ý kiến.
Ông Mãi cho biết, có nội dung công việc giao Sở KH-CN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khác để giải quyết, nhưng sau 1 tuần chỉ có 2/5 sở phản hồi lại ý kiến. Sở KH-CN cũng chỉ nhắc nhẹ mà không biết làm sao vì cùng cấp với nhau.
Khi công việc bị chậm 1-2 tuần, Thường trực UBND TP thúc, Sở KH-CN lại nói chưa có trả lời từ các sở. Hỏi đến giám đốc các sở thì giám đốc nói không nắm công việc do phó giám đốc được phân công phụ trách.
“Tôi yêu cầu khi giải quyết công việc giám đốc phải nắm thông tin công việc để quản lý, phó giám đốc phải chỉ đạo các trưởng phòng chuyên môn bám sát công việc. Phải giữ kỷ cương hành chính, không thể áp dụng "im lặng là đồng ý" ở đây”, ông Mãi lưu ý.
Theo Chủ tịch TP.HCM, chỉ một sở phối hợp không tốt sẽ làm chậm cả hệ thống. Ông cũng nhắc lại, vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm việc với bí thư một số quận/huyện, các địa phương cho biết có tình trạng khi gửi hồ sơ lên nhưng các sở, ngành không trả lời hoặc trả lời rất chậm.
Giải ngân vốn đầu công tư chậm
Tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh vào các nội dung liên quan tới quy hoạch thành phố, tiến độ thực hiện nhiệm vụ công việc của các đơn vị và công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với vấn đề quy hoạch thành phố, sau các chuyến đi khảo sát tại sông Sài Gòn và bay khảo sát bằng trực thăng, ông Mãi đánh giá quy hoạch của địa phương đang lỗ chỗ như tấm "da beo". Do đó, cần thực hiện quy hoạch rõ nét hơn về không gian đô thị, sinh hoạt, sản xuất, không gian xanh...
Hiện tại, các đơn vị của thành phố đang triển khai 2 quy hoạch, gồm: Quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị chung thành phố giai đoạn đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải tích cực làm việc với đơn vị tư vấn để hoàn thiện các ý tưởng quy hoạch.
Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, ông Mãi đánh giá khối lượng công việc nhiều nhưng tiến độ hoàn thành các nội dung công việc chậm.
Đối với giải ngân đầu tư công, tính tới ngày 25/8, mới giải ngân được 19.282 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch vốn thực tế là 68.490 tỷ đồng.
“Lẽ ra, tới cuối tháng 9, tỷ lệ giải ngân phải đạt 55%, nhưng tới giờ này mới đạt có 28%. Số tiền còn lại cần giải ngân là rất lớn mới có thể đạt mục tiêu giải ngân 95% cuối năm nay”, ông Mãi cho hay.
Chủ tịch TP.HCM chỉ ra các vướng mắc cụ thể khiến tỷ lệ giải ngân thấp. Cụ thể, đó là quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng đang có 3 đầu mối cùng gánh trách nhiệm: Quận/huyện tính giá bồi thường cùng tổ thẩm định giá là Sở Tài chính; tiếp đó tới Hội đồng thẩm định giá do Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan làm Chủ tịch Hội đồng; thẩm định giá bồi thường xong thì Văn phòng UBND ra thông báo.
Thời gian có khi kéo dài 1 tháng từ khi hồ sơ được gửi lên cho đến khi có giá để quận/huyện áp tính mức bồi thường. Do vậy, ông Mãi yêu các đầu mối có liên quan phải bám sát công việc, rút thời gian từ 1 tháng xuống còn 1 tuần.
Ngoài ra, 4 ban quản lý dự án gồm giao thông, đường sắt, hạ tầng đô thị, công trình dân dụng và công nghiệp đang quản lý tới 70% tổng số vốn đầu tư công. Nhưng ban giao thông mới giải ngân được 11,7% (trừ dự án Vành đai 3); ban dân dụng 31,7%, ban đường sắt 23%; ban hạ tầng đô thị 16%.
Theo ông Mãi, nếu các ban này không đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì không thể đảm bảo mục tiêu cuối năm giải ngân đạt 95%.