Chiều 6/5, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Tổ ĐBQH đơn vị số 9 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4, 7 và huyện Nhà Bè.
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Đoan Trang (huyện Nhà Bè) cho biết, gần đây có nhiều vụ án lớn liên tục được phát hiện, liên quan đến nhiều cán bộ chủ chốt, kể cả cán bộ ở cấp Trung ương cũng vi phạm.
“Người dân chúng tôi hoang mang và không hiểu vì sao nhiều cán bộ cấp cao lại vi phạm, dính tới tham nhũng, tiêu cực. Chúng tôi mong các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, pháp luật để tránh tình trạng cán bộ, công chức vì sợ sai mà e ngại, không còn nhiệt tình với công việc", cử tri Đoan Trang đề nghị.
Ông Bùi Văn Kiểm (cử tri huyện Nhà Bè) lo lắng việc kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc, có tình trạng đối phó, kê khai sai.
"Cán bộ nào không kê khai tài sản nghiêm túc là vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định" - cử tri bày tỏ quan điểm.
Một số cử tri khác cũng cho rằng, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao Trung ương vi phạm về tham nhũng, tiêu cực gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị cần tiếp tục xử lý, không có giới hạn, không có vùng cấm.
Trao đổi với cử tri, đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm. Trong đó, cử tri góp ý vấn đề thuộc phạm vi về kinh tế-xã hội của thành phố, của đất nước, cho thấy cử tri quan tâm đến việc lớn của đất nước.
Về vấn đề liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông Mãi là không có vùng cấm, không giới hạn. Vì thế, công tác này ở ngay tại các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thực hiện và thậm chí thực hiện trước để giữ kỷ cương, nêu gương.
Về ý kiến của cử tri nêu, gần đây, tham nhũng liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo, cả ở cấp lãnh đạo ở Trung ương, việc này ông Mãi khẳng định là có.
“Chúng tôi muốn nói chỗ này, các đồng chí có vi phạm khuyết điểm về những điều đảng viên không được làm hay trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cao cấp, như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng hay là trách nhiệm người đứng đầu để cho cán bộ thuộc quyền của mình vi phạm pháp luật.
Chúng ta cũng phải phân định rõ ràng, không phải tất cả trường hợp vừa qua đều là tham nhũng, hối lộ và đã bị khởi tố, thôi chức, nghỉ việc”, ông Mãi phân tích và cho biết, việc thôi chức cũng là hình thức xử lý có trong quy định của Đảng.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Huỳnh Văn Kiểm (huyện Nhà Bè) đặt vấn đề, đến khi nào thì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước được xử lý, để không ảnh hướng tới đời sống của nhân dân. Trả lời với cử tri, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM khẳng định “cử tri phản ánh mùi hôi từ bãi rác Đa Phước ảnh hưởng đến hai khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè là có”. Theo ông Thắng, bãi rác Đa Phước được thành phố đưa vào vận hành năm 2008. Ở thời điểm đó, việc dùng phương pháp chôn lấp là phù hợp trong điều kiện và hoàn cảnh của địa phương. Ông cũng thừa nhận, hiện nay, việc chôn lấp tại bãi rác đã đạt độ cao theo quy định, nên phát sinh mùi hôi như phản ánh của cử tri. Về trách nhiệm, ông Thắng thông tin, các cơ quan Nhà nước đang tiến hành các phương pháp kỹ thuật, để xử lý mùi hôi từ bãi rác, cũng như đang tiến tới các công nghệ thay phương pháp chôn lấp. Theo Giám đốc Sở TN-MT, thời gian tới, không chỉ bãi rác Đa Phước mà các bãi rác khác cũng sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt. Thành phố đã đưa ra hai giai đoạn triển khai, đến năm 2025, chuyển 80% rác sang công nghệ đốt và đến sau 2025 sẽ thực hiện 100% công nghệ đốt rác phát điện. |