Chiều 27/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với 312 chủ tịch xã, phường và thị trấn với chủ đề "Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số".
Tại buổi đối thoại, ngoài chủ đề chuyển đổi số, không ít cán bộ đề xuất lãnh đạo TP phải triển khai cơ chế bảo vệ cán bộ trước tâm tâm lý e ngại, không dám nghĩ, dám làm.
Cụ thể, ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch phường 9 (quận Tân Bình) cho biết, có tâm lý e ngại, sợ sai như đánh giá của UBND TP khi sơ kết tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023.
“Chúng ta hay nói, làm tốt thì thưởng, làm sai thì xử lý….nhưng thực tế vẫn gây ra tâm lý hoang mang, dao động, sợ sai trong đội ngũ cán bộ. Có nhiều vấn đề do cấp bách, vì mục đích chung dẫn đến làm sai về quy trình. Nhưng nếu cán bộ làm sai mà không tư lợi thì lãnh đạo TP xem xét, có giải pháp bảo vệ cán bộ ”, ông Phượng kiến nghị.
Trước ý kiến này, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đã triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Cụ thể hơn, ông Mãi thông tin, TP đã có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trong phạm vi thẩm quyền của thành phố.
Theo đó, những vấn đề vướng mắc, chưa có trong quy định của pháp luật, hoặc chồng chéo giữa các luật nhưng nếu triển khai mạng lại hiệu quả cao thì các địa phương xây dựng đề án để triển khai. Đề án cần thông qua cấp ủy cơ sở, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên lãnh đạo các cấp cho ý kiến, phê duyệt.
“Làm đúng quy trình đó chính là cơ sở để bảo vệ cán bộ thực thi nhiệm vụ, thực thi công vụ mà không e ngại, lo sợ”, Chủ tịch TP.HCM chỉ rõ.
Chủ tịch TP.HCM cũng cho biết, thành phố đã triển khai đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức... với mục tiêu xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố thực sự tiêu biểu, vượt trội, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Bỏ hộ khẩu giấy, cán bộ thêm việc
Cũng tại buổi đối thoại, ông Bùi Nguyên Vĩ, Chủ tịch phường 5 (quận Bình Thạnh) nêu vấn đề tâm tư của cán bộ tư pháp, hộ tịch.
Theo ông, trước đây với hộ khẩu giấy có đầy đủ thông tin, cán bộ căn cứ vào đó giải quyết các thủ tục ngay trong ngày cho người dân. Tuy nhiên, khi bỏ hộ khẩu giấy, các giấy tờ thay thế không đủ thông tin, chưa số hóa được một số thông tin. Do đó, cán bộ phải qua công an xác minh thông tin, mới dám ký xác nhận…
“Anh em phản ánh với chúng tôi, khi mình bỏ hộ khẩu thì công việc lại nhiều hơn, giải quyết công việc chậm hơn”, ông Vĩ cho biết.
Cũng theo ông Vĩ, khi cán bộ tư pháp cần danh sách học sinh thi vượt cấp, danh sách thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự… thì công an chỉ cung cấp bản in, buộc anh em phải gõ lại bằng thủ công, rất phiền và chậm. "Chúng tôi yêu cầu công an phường cung cấp bằng file, chứ không phải bản in, nhưng được trả lời thuộc thẩm quyền của PC 06", ông Vĩ cho biết.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu đại diện PC06 chia sẻ thắc mắc của cán bộ phường.
Theo đại diện PC 06, hiện nay phần mềm quản lý trên hệ thống mạng có đầy đủ các dữ liệu, khi có yêu cầu thì công an trích xuất để cung cấp. Trong đó, Bộ Công an đã chia sẻ với Bộ GD&ĐT về dữ liệu của học sinh các khối. Riêng các dữ liệu còn lại như phản ánh của cán bộ phường, Công an TP.HCM sẽ báo cáo với Bộ Công an để có giải pháp giải quyết phù hợp.
Trao đổi thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề xuất, trước mắt, trên tường CCCD có những thông tin nào thì cán bộ cứ xác nhận theo thông tin đó. Với những dữ liệu chưa hiện hay chưa được chia sẻ trên tường thông tin, cán bộ vẫn cứ làm theo cách cũ để giải quyết quyền lợi cho người dân.