Chiều 11/5, UBND TP Hội An (Quảng Nam) có buổi gặp mặt báo chí về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An.
Việc bán vé đã thực hiện từ lâu, chỉ thay đổi cách làm
Theo đó, từ ngày 15/5 tới, TP Hội An (Quảng Nam) áp dụng việc bán vé tham quan đối với du khách tham quan phố cổ, trong đó tập trung với khách đoàn. Giá vé áp dụng là 80.000 đồng đối khách trong nước và 120.000 đồng đối với khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch TP Hội An, phương án bán vé sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn. Các nhóm khách gia đình có thể mua vé hoặc không trên tinh thần tự nguyện. Với các nhóm khác như khách đến ăn tối, uống cà phê, chụp hình cưới thì không cần mua vé.
Ông Sơn cho biết, việc bán vé thành phố đã thực hiện từ lâu chứ không phải đây là lần đầu. Còn việc thực hiện lần này là để thay đổi cách làm, kiểm soát kỹ hơn và giảm tải cho khu phố cổ.
Ông Sơn dẫn chứng, vé tham quan phố cổ Hội An đã được triển khai từ năm 1995 đến nay, giá vé cũng đã được công bố từ năm 2012.
“Vé tham quan Hội An hiện rẻ nhất trong 8 khu di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Như giá tham quan Phong Nha Kẻ Bàng là 150.000 đồng/lượt, hay giá vé tham quan Tràng An là 250.000 đồng/lượt... Giá vé vào phố cổ Hội An 11 năm rồi thành phố không thay đổi”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, sắp tới Hội An sẽ có người chào mời, hướng dẫn người tham quan phố cổ chứ không như trước đây. Thành phố cũng sẽ tổ chức bán vé từ xa với các đoàn khách, cụ thể từ bãi xe 332 Lý Thường Kiệt và bãi xe Thanh Hà. Từ đó tổ chức trung chuyển, kết hợp các đơn vị xe điện vận chuyển khách vào phố cổ, đỗ ở 3 điểm.
Từ các điểm trên, sẽ có người hướng dẫn du khách đi vào các tuyến. Tuyệt đối không để hướng dẫn viên dẫn các đoàn du khách đi vào các kiệt, hẻm nhỏ. Cũng từ ngày 15/5, các xe điện không được tiếp cận phố đi bộ Phan Châu Trinh.
“Vừa rồi thành phố tổ chức lấy ý kiến người dân trong phố cổ, thì tất cả đều đồng tình ủng hộ việc này. Sau đó, chúng tôi họp với 25 đơn vị lữ hành và họ đều bày tỏ sự ủng hộ, thậm chí còn lên án những đơn vị dẫn khách đi chui. Các doanh nghiệp, khách sạn cũng đều đồng tình ủng hộ và sẽ tình nguyện làm công tác tuyên truyền cho du khách, nhận vé của thành phố về bán cho du khách”, ông Sơn thông tin thêm.
“Không bán vé lấy tiền đâu trùng tu di sản”
Người đứng đầu chính quyền Hội An cũng đưa ra những nguyên nhân buộc thành phổ phải tăng cường phương án kiểm soát du khách vào phố cổ.
Thứ nhất, là để đảm bảo yêu cầu bảo tồn di sản. “Hội An ngày càng quá đông đúc, xô bồ, nhếch nhác. Đơn cử như đợt lễ vừa qua, không có chỗ chen chân. Áp lực đó đè lên di sản, làm di sản nhanh xuống cấp. Vì vậy phải tăng cường kiểm soát”, ông Sơn cho hay.
Tiếp đó, việc kiểm soát là để đảm bảo công bằng giữa người mua vé và không mua vé, giữa các đơn vị lữ hành chân chính và không chân chính…
Theo ông Sơn, thời gian quan đã có tình trạng nhiều đơn vị lữ hành chia nhỏ các đoàn để trốn vé, chính quyền đã phát hiện và xử lý. Thêm nữa là có tình trạng quảng bá vào Hội An không cần mua vé.
Nếu không chấn chỉnh việc này, chắc chắn nguồn thu sụt giảm. Năm 2019, Hội An thu 300 tỷ đồng từ bán vé, nộp ngân sách 200 tỷ. Năm nay 3 tháng đầu chỉ bán được hơn 30 tỷ đồng. Nếu không kiểm soát thì Hội An sẽ trở thành điểm đến miễn phí.
"Cái khó của Hội An là có quá nhiều đường vào phổ cổ nên rất khó bán vé và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên không vé bán không được! Không bán vé lấy tiền đâu để tái đầu tư, trùng tu di sản?
Gần 30 năm qua, việc bán vé giúp Hội An từ di sản bên bờ sụp đổ đã được trùng tu hết sức vững chãi, di tích xuống cấp được trùng tu cơ bản. Chính từ nguồn thu từ vé tham quan giúp Hội An đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch, hỗ trợ lại cho di tích tư nhân” – ông Sơn chia sẻ.