Trong ngày đầu xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (5/3), khi được tòa hỏi về những vấn đề liên quan, một số luật sư đã trình bày các ý kiến.
Luật sư Phan Trung Hoài (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trương Mỹ Lan) có ý kiến đề nghị kiểm tra sự có mặt đại diện Ngân hàng Nhà nước và Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân.
Luật sư Hoài cho rằng, do thời gian xét xử dài nên đề nghị trong đầu giờ, hoặc giải lao, các luật sư có thể tiếp cận, tiếp xúc với các bị cáo, là thân chủ của mình. Ông Hoài nêu thêm ý kiến, vì lý do sức khoẻ của bà Trương Mỹ Lan, xin HĐXX cho phép bị cáo này ngồi để trả lời thẩm vấn.
Các luật sư khác cũng có ý kiến, đề nghị HĐXX cho biết trước về các ngày nghỉ trong tuần.
Nữ luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh (bào chữa cho ông Chu Lập Cơ) đề nghị HĐXX cho phép tiếp xúc với bị cáo này trong đầu giờ hay giờ giải lao cũng như đề nghị cho bị cáo ngồi để trả lời thẩm vấn.
Luật sư Nguyễn Minh Hải (bào chữa cho ông Nguyễn Cao Trí) có ý kiến, bị cáo Trí có nhiều bệnh, đặc biệt có bệnh cột sống, do vậy đề nghị cho bị cáo Trí vắng mặt trong các buổi xét xử có các phần không liên quan và khi có mặt có thể ngồi để trả lời, trình bày.
Luật sư Nguyễn Minh Tân (người đại diện của ngân hàng SCB, là bị hại trong vụ án) đề nghị HĐXX xác định 2 tư cách của ngân hàng SCB là bị hại của hành vi tham ô và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đối với các tội phạm khác trong vụ án.
Cũng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, Luật sư Giang Hồng Thanh trình bày, mong HĐXX cung cấp giấy bút cho thân chủ ghi chép.
Về vấn đề này, chủ tọa phiên toà nói rõ, việc cung cấp giấy bút cho bà Lan liên quan đến việc bảo vệ bị cáo tại phiên tòa. HĐXX đề nghị luật sư cung cấp giấy bút cho bà Lan nếu được lực lượng bảo vệ phiên tòa cho phép.
Chủ tọa phiên toà cũng nói rõ về tư cách của ngân hàng SCB là bị hại trong vụ án, đồng thời cũng là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Về việc đảm bảo sức khoẻ của các bị cáo như: Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Nguyễn Cao Trí... trong quá trình thẩm vấn, chủ tọa phiên toà cho biết, tuỳ vào tình hình sức khỏe của từng người để áp dụng biện pháp tại tòa. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí, chủ toạ cho phép ông này ngồi để trình bày.
Về nguyện vọng của các luật sư được gặp, trao đổi, tư vấn pháp luật cho các bị cáo vào đầu giờ xử hay giờ nghỉ giải lao, theo chủ tọa phiên toà, do phiên xét xử kéo dài nhiều ngày, vì vậy để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, toà cho phép các luật sư tiếp xúc để tư vấn pháp luật cho thân chủ của mình trong thời gian giải lao nhưng ngắn gọn, đảm bảo sức khoẻ của các bị cáo. Nếu luật sư nào cho rằng thời gian tiếp xúc với thân chủ chưa đủ thì có thể có đề nghị HĐXX xem xét.
Chủ tọa cũng khuyến cáo các luật sư phải có mặt trong suốt các buổi xét xử, nếu luật sư nào không có mặt thì coi như tự từ bỏ quyền bào chữa.
Chủ tọa phiên xử vụ án Vạn Thịnh Phát lưu ý, tất cả những người tham gia phiên toà và phóng viên báo chí không được quay phim, chụp hình, ghi âm, khi chưa được HĐXX cho phép; trường hợp đưa lên các trang mạng xã hội thì sẽ bị đề nghị xử lý nghiêm.
Từ ngày 5/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng chồng là ông Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Phiên tòa dự kiến diễn ra gần 2 tháng, từ 5/3 tới 29/4, do Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa.