Nhận định này có vẻ định tính và thể hiện sự mong muốn hơn là thực tế vì các dữ liệu thống kê định lượng cho thấy tổng cầu chưa thể hồi phục, tăng trưởng xuất khẩu vẫn âm so với năm ngoái, số doanh nghiệp đóng cửa tăng cao vì không có đơn hàng, người dân thiếu việc làm và không thể mở rộng hầu bao.
Đáng quan tâm nhất, các ngân hàng thương mại đang tồn kho tiền và đang tìm cách chữa “bệnh thừa tiền”, như một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 11 đạt 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm, và còn kém xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm 2023. Với chưa đầy một tháng còn lại phía trước, tăng trưởng tín dụng khó có thể “về đích” như mong muốn.
Doanh nghiệp còn muôn vàn khó khăn để mở rộng đầu tư, kinh doanh; người dân phải chắt bóp chi tiêu, liệu cơm gắp mắm; các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp co lại hay đông cứng thì lấy đâu ra tổng cầu tăng lên!
Bắt đúng bệnh mới có thuốc để giải hoặc ngược lại, thuốc không đúng thì bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn nặng thêm lên.
Tổng cầu suy giảm hiện nay bắt nguồn từ những chính sách không chuẩn do bắt bệnh không đúng, bắt đầu từ quý 3/2022. Lúc đó, lạm phát bắt đầu nhen nhóm nhưng, như chúng tôi đã phân tích nhiều lần, không đáng lo vì lạm phát nhập khẩu vào Việt Nam qua khu vực FDI và rồi lại được xuất khẩu ra ngoài và quan trọng là nước ta dư năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm. Thực tế là lạm phát thấp như chỉ tiêu Quốc hội.
Nhưng do nhận định lạm phát sai nên chính sách tiền tệ đã bị định hướng sai, lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng và bị đẩy lên cao chót vót những tháng cuối năm. Chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát, giữa lãi suất huy động và cho vay là rất cao, thậm chí cao chưa từng có.
Trong bối cảnh nền kinh tế mở ra sau hơn 2 năm đóng vì Covid, doanh nghiệp cần vốn, thậm chí là nhiều vốn hơn so với bình thường để đảm bảo thanh khoản và do chi phí đầu vào tăng cao, thì lẽ ra chính sách tiền tệ phải nới lỏng hơn. Tuy vậy, do quá cứng nhắc về mục tiêu kiểm soát lạm phát nên chính sách tiền tệ đã bị thắt chặt với biểu hiện rõ ràng như tăng lãi suất, không tăng trần tín dụng.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bị “siết chặt" và “đánh đùng một cái” bằng các văn bản pháp lý.
Những chính sách như trên không đúng bệnh, lại thực hiện triệt để, gấp khúc. Cộng thêm nhiều tác động khác, những toa thuốc này đã tác động dây chuyền đến thị trường chứng khoán, bất động sản. Tín dụng cho doanh nghiệp trở nên khô hạn hơn bao giờ hết; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn đến mức “chưa từng có”, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Đến nay, dù lãi suất điều hành đã được giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022, nhưng bệnh “thừa tiền” vẫn còn kéo dài do tổng cầu còn rất yếu. Hơn nữa, tổng phương tiện thanh toán (M2) chỉ tăng trưởng 5,62% trong 3 quý đầu năm, mà lẽ ra phải tăng ít nhất 9%.
Nền kinh tế còn yếu như vậy thì sẽ không có cách nào hấp thụ được số vốn 700.000 – 800.000 tỷ đồng thuộc như không gian tín dụng còn lại trong mấy ngày tới.
Ngân hàng Nhà nước cũng từng dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ vào khoảng 12%.
Chắc chắn, các ngân hàng thương mại cũng rất sốt ruột bởi họ không thể dừng huy động tiền gửi và trả lãi cho người gửi tiền. Vì vậy, họ phải tìm cách cho vay ra nền kinh tế mà không cần thúc ép, hay mệnh lệnh hành chính.
Vấn đề là họ không thể cho vay ra bằng mọi giá vì họ cũng phải giữ an toàn cho mình và cho tiền gửi của hàng triệu người dân, hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc thị trường và nhất là quy định an toàn vốn.
Như vậy có thể thấy, chính sách tiền tệ với nhiều nhiệm vụ đã gần hết dư địa.
Vậy, dư địa còn lại nằm ở đâu?
Trước hết, là đầu tư công mà đến hết tháng 11/2023 mới giải ngân đạt khoảng 65,1% kế hoạch. Chính phủ đang thúc giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn trong năm nay.
Thứ hai, cần giải ngân khoảng 1 triệu tỉ đồng của ngân sách đang bị “nhốt” tại Ngân hàng Nhà nước như chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe tính toán. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 10, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ huy động thành công đạt 273.306 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Có tiền mà không tiêu được chính là cái nút thắt, cản trở kinh tế phục hồi.
Thứ ba, cần giảm thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong dân và doanh nghiệp. Đáng tiếc là ngân sách nhà nước lại bội thu 34,7 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm mà chi ra kích cầu không tương xứng.
Thứ tư, cần tiếp tục nâng niu, vun đắp lòng tin ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng chính sách thay đổi quá đột ngột, làm thị trường không lường trước được.
Và điều quan trọng nhất là cần tiếp cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vì tinh thần cải cách đã hao hụt ở nhiều nơi, nhất là khi Nghị quyết 02 đã bị co lại, thậm chí bỏ hẳn rất đáng tiếc.
Cũng cần hết sức lưu tâm đến tình trạng không ít doanh nghiệp bị bắt lỗi đầu tư, kinh doanh không đúng quy định, hay trái quy định mà nhẹ thì xử phạt hành chính, thiệt hại về của cải, uy tín; nặng thì bị truy tố.
Những giải pháp từ chính sách tài khóa và cải cách thị trường là quan trọng hơn bao giờ hết khi chính sách tiền tệ đã hết dư địa. Tổng cầu của nền kinh tế cần phải được khôi phục lại, doanh nghiệp sẽ có đơn hàng nhiều hơn, người dân có việc làm thì tiền ngân hàng mới ra được nền kinh tế như mong muốn, chứ không phải là ép là có thể chữa được bệnh thừa tiền.
Tư Giang