Từ năm 2013, TP.HCM đã thí điểm việc phân loại rác đầu nguồn tại một số nơi. Đến cuối năm 2018, UBND TP ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.
Dù ban hành quyết định nhưng thời gian đầu, TP vẫn dừng ở mức tuyên truyền, chưa áp dụng hình thức phạt tiền.
Từ đó đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 cùng với việc chưa đồng bộ các điều kiện thực hiện, từ khâu xử lý rác ở gia đình, người thu gom, vận chuyển đến nhà máy khiến quy định chưa thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Người dân, nhân viên thu gom... chờ hướng dẫn phân loại rác
Bà Lê Thúy Quyên (ngụ quận 12, TP.HCM) nhiều năm qua vẫn quen với việc phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại. Theo bà Quyên, việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường, giúp các công ty vệ sinh môi trường giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải.
Tuy nhiên, với quy định xử phạt người không phân loại rác tại nguồn áp dụng từ 25/8, bà Quyên băn khoăn, còn hơn 1 tháng nữa quy định phạt có hiệu lực, nhưng gia đình bà và nhiều hộ dân khác chưa được ngành chức năng hướng dẫn.
Trước đó, trong thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn theo chủ trương riêng của TP.HCM, địa phương này hướng dẫn người dân phân thành 2 loại rác. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định quy định hình thức, mức xử phạt, rác phải phân thành 3 loại.
"Gia đình tôi mong ngành chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể cho người dân biết đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế để khi nghị định có hiệu lực sẽ không còn bỡ ngỡ. Nếu không được hướng dẫn, người dân sẽ ấm ức vì bị phạt tiền", bà Quyên cho hay.
Anh Thanh Tú (công nhân thu gom rác thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3) cho biết, theo quy trình, công nhân môi trường sẽ nhận rác từ người dân rồi bỏ lên xe và không phải phân loại. Rác được chuyển về nhà máy xử lý rác ở Đa Phước (huyện Bình Chánh) hoặc Quang Trung (huyện Hóc Môn). Tại đây, phía nhà máy sẽ có quy trình phân loại, xử lý rác.
“Từ trước tới nay, người dân bỏ tất cả rác sinh hoạt, chất thải rắn vào một túi hoặc để vào thùng trước cửa nhà. Nhân viên vệ sinh môi trường sẽ gom rác bỏ lên xe", anh Tú chia sẻ.
Đến nay, nam công nhân này cho biết, vẫn chưa hình dung được việc thu gom rác thời gian tới như thế nào vì vẫn đang chờ hướng dẫn.
Trong khi thực tế, thùng đựng rác hiện nay đang rất thiếu. Nếu áp dụng thì phải đầu tư thêm nhiều thùng mới để phân loại tương ứng cho từng loại rác như rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế.
"Thời gian tới sẽ rất phức tạp và khó khăn", nam công nhân nhìn nhận.
Dân phân loại rác, thu gom trộn lẫn, hiệu quả lại bằng không
Anh Trần Văn Danh (ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn không quá khó, bao bì chứa chất thải sinh hoạt cũng dễ mua qua các kênh như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ứng dụng mua sắm trực tuyến. Do đó, khi TP áp dụng nghị định mới thì gia đình sẽ chấp hành.
Dù vậy, anh Danh băn khoăn, vì gia đình bao năm nay vẫn phân loại rác tại nguồn nhưng khi đi giao rác thì người thu gom lại đổ dồn 2 túi đã phân loại lên cùng thùng xe.
“Tôi cho rằng trước khi áp dụng xử phạt người dân thì TP nên thí điểm một vài nơi, chuyên nghiệp hóa lực lượng thu gom rác. Muốn hiệu quả trong khâu phân loại rác thì phải đồng bộ từ hộ gia đình, người thu gom, vận chuyển cho đến khâu tập kết trước khi đưa tới nơi xử lý rác thải”, anh Danh nói.
Chị Mỹ Linh (ngụ chung cư TDH Bình Chiểu, TP Thủ Đức) cho biết, trước đây gia đình thường xuyên phân loại rác hữu cơ và chất thải rắn
Do mỗi tầng chỉ có một thùng rác nên hai túi rác đã phân loại cũng được bỏ chung. Do đó, việc phân loại rác từ nguồn không còn ý nghĩa.
Chưa hết, rác thải sau khi được nhân viên vệ sinh tiếp nhận cũng được chuyển tiếp sang xe rác chở thẳng xuống nhà máy xử lý rác và hoàn toàn không có khâu phân loại.
Chị cho hay, vì thất vọng về quy trình tiếp nhận, xử lý rác chưa đồng bộ nên không thực hiện phân loại rác nữa. Hiện nay, chị Linh cho tất cả rác vào một túi (trừ rác thải nguy hại như kính vỡ, pin hư hỏng... mới bỏ riêng ra để xử lý phù hợp).
"Tôi đồng tình với việc cần phân loại rác từ nguồn và xử phạt nhưng chính quyền cần xem lại các điều kiện thực hiện cho đồng bộ. Trong khi các khâu trong quy trình từ phân loại, tiếp nhận, xử lý đều chưa đồng bộ, ngay việc phân loại cũng chưa có hướng dẫn với người dân, mà đã ấn định xử phạt sẽ khống thuyết phục? Tương tự, nếu người dân phân loại rác tốt nhưng đơn vị thu gom lại để 'tuốt' vào một nơi thì kết quả lại bằng không?”, chị Linh nêu.
Anh Trần Minh Thế (ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) chia sẻ, rác thải tại nơi anh ở vẫn để lẫn lộn, nhiều người còn vứt bừa bãi.
“Không ít nơi người dân còn vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Quy định xử phạt lỗi vi phạm này cũng có nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý dẫn tới ô nhiễm, mất mỹ quan. Do đó, tôi cho rằng việc xử phạt về việc không phân loại rác này sẽ rất khó. Hơn nữa, trước khi tính tới việc phạt, cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân nắm được ý nghĩa của việc mình làm để từ đó thay đổi nhận thức, hành vi, từ bỏ thói quen, như vậy mới hiệu quả”, anh Thế góp ý.
Từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực. Nghị định này thay thế 2 Nghị định 155/2016 và 55/2021. Theo đó, xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Người dân phải chia rác theo 3 loại gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. |