Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, pháp luật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quy định về kinh doanh chùa.
XEM CLIP:
"Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi", Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong thời gian qua, có một số cá nhân lợi dụng vào cơ sở thờ tự phật giáo, niềm tin của nhân dân, của phật tử, hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi, gây bức xúc trong xã hội.
"Có ĐB cho rằng một số cán bộ góp tiền xây chùa để trục lợi, theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ nắm được, đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền để xây chùa để kinh doanh, trục lợi", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông dẫn lại quy định tại khoản 3, điều 36 luật Tín ngưỡng tôn giáo: "Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được hình thành theo tập quán do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định pháp luật". Ông cung cấp thêm thông tin, trong thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thờ tự là do nhân dân, DN đóng góp.
Liên quan đến vụ chùa Ba Vàng, Bộ trưởng cho biết, từ 20-28/3, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam có rất nhiều văn bản để gửi các bộ ngành xác minh, làm rõ báo cáo Chính phủ.
"Qua kiểm tra, xác minh của các ngành, UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất xác định những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo và có hình thức xử lý phù hợp.
Sau khi xử lý, dư luận lắng xuống, đa số đồng thuận với cách giải quyết của Giáo hội Phật giáo và chính quyền địa phương. Việc xử lý hợp lý, kịp thời đã tạo niềm tin trong tín đồ phật tử và quần chúng nhân dân", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành các ban bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực này.
"Không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn đạo đức, phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục", Bộ trưởng Nội vụ cam kết.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác đào tào bồi dưỡng về công tác quản lý tín ngưỡng tôn giáo, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng về lĩnh vực này.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ các bộ ngành địa phương, các tổ chức tôn giáo để phát hiện kịp thời và xử lý sớm các trường hợp vi phạm.
Cần phải lên án và xử lý
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện chiều qua, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB khác đề cập đến việc "dư luận hiện nay cho rằng có hiện tượng kinh doanh chùa, đền, có hay không?".
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Về khía cạnh văn hóa, hiện nay chúng tôi cũng chưa có thông tin gì liên quan đến vấn đề này".
Cũng trong chiều qua, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Thiện chưa rõ và tranh luận lại về hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng.
Cụ thể là hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt vừa tác động trực tiếp đến người tham dự cũng như tác động gián tiếp thông qua các bài phát tán trên Youtube.
"Việc xử phạt rất nhẹ, Bộ trưởng khẳng định như thế. Bộ trưởng có nghĩ tới việc nên xem xét lại đối với vai trò quản lý ngành, mình nên xem xét việc xử phạt đó đúng người, đúng tội chưa và có cần thiết phải yêu cầu các cơ quan pháp luật truy tố bà Yến trước pháp luật hay không?", ĐB Thủy nói.
ĐB cũng nhắc lại đề nghị trước đó chưa được Bộ trưởng trả lời là có biện pháp để chống tái diễn tình trạng trên ở chùa Ba Vàng. Bởi sau khi bị xử phạt, bà Yến lại tiếp tục tuyên truyền và đưa lên Youtube, thách thức các cơ quan pháp luật.
Trả lời tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết quan điểm của mình là "việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật".
Ông cũng cho biết, vấn đề về quản lý tôn giáo, về chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Văn hóa cũng chia sẻ: "Tôi chưa có thông tin nào liên quan đến sự đóng góp của các quan chức như ĐB hỏi. Nếu ĐB thấy thông tin gì thì có thể cung cấp cho QH để xử lý theo quy định của pháp luật".
Chưa có văn bản quy định thu chi tiền công đức thế nào
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay chưa có một văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi như thế nào.
Thu Hằng - Hồng Nhì - Thái An