Chiều 12/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến tranh cãi là dự thảo Nghị quyết đề xuất, giao Chính phủ trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (SaiGon Coop) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã.
Không nhất thiết phải đưa vào nghị quyết
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc đưa vào dự thảo Nghị quyết nội dung trên là chưa đủ căn cứ.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, quy định theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Theo đó, chỉ quy định “nghiên cứu, sớm trình Quốc hội ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM”.
Tương tự, với quy định “phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã”, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, hiện nay chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ nội hàm chính sách, chưa chắc chắn tính hợp lý để xác định SaiGon Coop sẽ hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã.
Nghị quyết 31 chỉ quy định “tổ chức lại các mô hình hợp tác xã kiểu mới”, không xác định “hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã” như trong dự thảo Nghị quyết. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định theo đúng Nghị quyết 31.
Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hiện chưa rõ nội hàm “xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính” hay “xây dựng một trung tâm tài chính trong TP.HCM”. Thế giới có cả 2 cách tiếp cận này, cho nên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm đề án theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề này có thể đưa vào tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, chứ không nhất thiết phải đưa vào điều khoản thi hành của nghị quyết này.
Về việc thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, ông Vương Đình Huệ cho rằng đã có Nghị quyết 20 Chính phủ. Nếu không liên quan đến pháp lý thì Chính phủ ban hành nghị định để làm, còn trường hợp có liên quan thẩm quyền của Quốc hội thì trình Quốc hội.
Vì vậy, nội dung này không nhất thiết phải quy định vào nghị quyết này trong điều khoản thực hiện, tránh xung đột pháp lý sau này, nếu vướng mắc lại không gỡ được. "Chủ trương đã có, ta cứ làm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chưa rõ căn cứ nội dung, mô hình hoạt động
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình tạm thời bỏ quy định liên quan đến Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM và Liên đoàn Hợp tác xã ra khỏi dự thảo Nghị quyết.
Theo ông Dũng, về nội dung Liên đoàn Hợp tác xã “không có vấn đề lớn”, nhưng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM là vấn đề “rất lớn, rất khó”.
Bộ trưởng cho biết, sáng nay, ông vừa chủ trì họp riêng về vấn đề này, đúng là hiện nay đang rất lúng túng. Chẳng hạn như chưa rõ khái niệm thế nào, phạm vi đến đâu, điều kiện cần và đủ để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM như thế nào, kèm theo đó là thể chế gì, nguồn lực nào, bước đi nào, cách tiếp cận thế nào, mô hình nào.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, TP.HCM có nghiên cứu bước đầu, cùng với Đà Nẵng, hiện nay có 2 hồ sơ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu. Bộ đang hết sức thận trọng nghiên cứu kỹ, thời gian tới sẽ báo cáo với Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần cân nhắc việc đưa vào nghị quyết nội dung thí điểm xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM và phát triển Sài Gòn Co.op theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã do chưa có rõ căn cứ nội dung, mô hình hoạt động, chính sách cần có.
Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá tác động để đưa cụ thể những chính sách cần thiết vào nghị quyết làm cơ sở cho việc hình thành, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.