Để chuẩn bị cho sự kiện tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm lắng nghe các nhà khoa học, quản lý về văn học nghệ thuật, giáo dục .
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (1975 - 2025), Ban Bí thư đồng ý chủ trương tổng kết 50 năm nền văn học nước nhà.
"Ban Tuyên giáo Trung ương tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch bài bản, công phu chuẩn bị cho chuỗi sự kiện, trong đó có hội thảo quốc gia quy mô do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, dự kiến vào tháng 4/2025", ông Trần Thanh Lâm cho biết.
Đây sẽ là dịp đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước về văn học nghệ thuật, quá trình đổi mới tư duy sáng tạo... trên cơ sở đúc kết bài học, đề xuất vấn đề có tính chiến lược cho văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh kết quả thu được từ hoạt động tổng kết sẽ góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật, hiểu rõ và trân trọng những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học góp ý để chuỗi sự kiện được tổ chức hiệu quả, thiết thực.
Tại toạ đàm, ban tổ chức nhận được 17 ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý uy tín như Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Trịnh Thúy Mùi...
Các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia tập trung thảo luận về quy mô và cách thức tổ chức sự kiện. Dịp này, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng phân tích thực trạng của nền văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà nhằm đề xuất giải pháp để văn học nghệ thuật phải có thành tựu, tác phẩm nổi bật, chế độ đãi ngộ nghệ sĩ tương xứng với đóng góp, khuyến khích sự sáng tạo...