Ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) bị truy tố tội Lừa dối khách hàng. Tại CQĐT, 488 khách hàng mua 488 căn hộ không được cấp sổ đỏ cho hay, khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, họ không biết các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng xây sai quy hoạch.
Khách hàng đều tin tưởng ông Lê Thanh Thản xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Quá trình điều tra, đa số các bị hại đều đề nghị được hỗ trợ cấp sổ đỏ.
Tại CQĐT, ông Lê Thanh Thản khai, do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên ông chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án.
Theo cáo trạng, về trách nhiệm dân sự, đối với những người có đề nghị được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ sẽ tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
Trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản tội Lừa dối khách hàng vào ngày 10/8 tới, ông Nguyễn Trọng Tuệ (SN 1975, ở chung cư CT6C Kiến Hưng, Hà Đông) và một số cư dân ở cùng khu chung cư đã có đơn kêu cứu.
Đơn có nội dung: Năm 2012, khi biết tin ông Lê Thanh Thản quảng cáo về dự án chung cư CT6 Kiến Hưng giá rẻ, phục vụ được phần đông người lao động có thu nhập không cao, ông Tuệ cùng mọi người rất vui, cố gắng vay mượn ngân hàng, người thân, dốc hết vốn liếng dành dụm để có thể mua được căn hộ chung cư.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán căn hộ, cư dân đã nhiều lần ý kiến bằng văn bản đề nghị ông Lê Thanh Thản và Công ty Bemes nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân.
Cư dân cũng có văn bản khiếu nại và đề nghị giải quyết sự việc gửi đến UBND quận Hà Đông, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nhưng không nhận được phản hồi.
Trước khi ông Thản bị đưa ra xét xử, ông Tuệ và những cư dân ở chung cư CT6C Kiến Hưng làm đơn kêu cứu vì theo họ, nếu yêu cầu được cấp sổ đỏ của họ mà bị tách ra để giải quyết trong một vụ án dân sự khác thì sẽ rất thiệt thòi cho họ.
“Khi đó cư dân chúng tôi sẽ phải tiếp tục việc kiện tụng pháp lý vô cùng vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, mà chưa thể biết được đến thời điểm nào quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân mới được đảm bảo”, lá đơn nêu.
Ông Tuệ và các cư dân mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất cho các căn hộ của tòa CT6C.
Trong trường hợp các căn hộ của tòa CT6C không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất thì ông Lê Thanh Thản và chủ đầu tư phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thật thỏa đáng cho các bị hại để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra.
“Nếu gần 500 hộ dân cư chúng tôi buộc phải trả lại căn hộ đã sinh sống ổn định suốt hơn 11 năm qua mà chỉ được bị cáo trả lại số tiền theo hợp đồng mua bán căn hộ thì đây là thiệt hại rất lớn cho toàn bộ cư dân chúng tôi. Bởi ai cũng hiểu rằng, với số tiền theo hợp đồng mua bán căn hộ thì ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không thể mua được một căn hộ tương đương ở cùng khu vực quận Hà Đông”, nội dung lá đơn kêu cứu.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ có thể được thực hiện nếu như tòa nhà đó, căn hộ đó phù hợp với quy hoạch, hoặc có thể điều chỉnh quy hoạch và đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an toàn, hợp lý về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội.
Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính để cho tồn tại không hiếm trong nhiều dự án, tuy nhiên đối với dự án này, CQĐT đã khởi tố vụ án hình sự, vụ việc đã được chuyển đến tòa án để giải quyết về tội Lừa dối khách hàng nên cơ hội để được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là rất khó khăn. Vấn đề này sẽ do tòa án quyết định trong phiên tòa tới đây.