ISO 9001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế phát triển và ban hành vào ngày 24/9/2015. Hiện nay ISO 9001 đã được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp, giúp loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian, đồng thời nâng cao năng lực trách nhiệm và ý thức cho cán bộ, nhân viên.
Ngày 22/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị “Đào tạo, tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá lĩnh vực thông tin, truyền thông” do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Toả, chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuẩn hoá quy trình ISO sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Theo thống kê, đến nay đã có 10/10 cơ quan, tổ chức thuộc diện bắt buộc công bố đang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 (ISO).
Đến nay, 20/22 Bộ, ngành đã triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng (QLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001; 62/63 tỉnh thành triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001; 100% các cơ quan, tổ chức thuộc diện bắt buộc đã triển khai hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn quốc gia; 70% cơ quan, tổ chức thuộc diện khuyến khích đã triển khai áp dụng ISO 9001.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, 100% thủ tục hành chính đã được chuẩn hoá theo ISO và đưa vào áp dụng thực tiễn; 10/10 cơ quan tổ chức thuộc diện bắt buộc và 9 cơ quan thuộc diện khuyến khích công bố đang áp dụng Hệ thống QLCL ISO 9001:2015.
Hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống ISO được triển khai qua nhiều bước. Trước hết là lập kế hoạch triển khai xây dựng, thành lập kiện toàn Ban chỉ đạo ISO, đưa ra kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực thực hiện.
Tiếp đến là quá trình đào tạo nhận thức chung về ISO, tập huấn các kỹ năng triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống ISO hiệu quả và bền vững.
Xác định, xây dựng các quy trình hệ thống quản lý chất lượng: kiểm soát tài liệu, kiểm soát hồ sơ, đánh giá nội bộ, quản trị rủi ro, xử lý sự không phù hợp, họp xem xét của lãnh đạo, cải tiến hệ thống QLCL.
Cùng với đó là xác định, xây dựng các quy trình nghiệp vụ; xây dựng tài liệu hệ thống quản lý chất lượng. Mục tiêu chất lượng thường được xây dựng hằng năm (ban hành vào đầu năm, được đánh giá tình hình thực hiện từng mục tiêu chất lượng cụ thể vào cuối năm) và được xây dựng ở hai cấp (cấp tổ chức, doanh nghiệp và cấp đơn vị, bộ phần trực thuộc).
Theo ông Tỏa, trong việc áp dụng thống ISO, doanh nghiệp và tổ chức phải duy trì bộ phận giám sát quản trị rủi ro, đồng thời, thực hiện theo nguyên tắc cải tiến liên tục, tập trung vào khách hàng và chú trọng đến nhu cầu của các bên liên quan.
Doanh nghiệp và tổ chức cần thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến các tài liệu, quy trình ISO để tiến hành cải tiến.
“Để đảm bảo duy trì và cải tiến được tốt, cần bảo đảm tổ chức tốt, nghiêm túc các cuộc đánh giá nội bộ, tổ chức xử lý triệt để các sự không phù hợp, điểm khuyến nghị qua các đợt đánh giá nội bộ”, ông Tỏa nói.
Để nâng cao hiệu quả việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cần chú trọng tới các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng việc thực hiện chuyển đổi số (về quyết tâm, kinh phí, nhân lực, thời gian).
“Chuẩn hóa quy trình ISO theo quy mô tinh gọn, vận hành hiệu quả hệ thống này trong doanh nghiệp, tổ chức sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thông qua việc đôn đốc xây dựng các quy trình điện tử, phần mềm triển khai ISO điện tử; tổ chức các khóa/lớp tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng về ISO, hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp và tổ chức sẽ được đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn mà ISO đặt ra”, ông Tỏa nhấn mạnh.
Thế Vinh