Gần một tháng vừa qua, người trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân trồng dưa gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chính vì "tắc nghẽn" dẫn đến việc giá dưa bị rớt thảm, chỉ còn 1.500 đồng/kg.
Với vụ dưa hấu Đông Xuân năm 2022, gia đình ông Võ Văn Lành (41 tuổi, trú tại Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tích góp, vay mượn để đến xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) thuê đất trồng 3,5 ha trồng dưa hấu. Bỏ chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng, hiện dưa hấu đã đến thời điểm thu hoạch nhưng ông Lành vẫn chưa bán được, gọi mời thuơng lái chưa đến.
Ông Lành cho biết, phần lớn bà con bán cho thương lái để xuất dưa đi Trung Quốc. Cũng vì tình hình thông quan ở các cửa khẩu gặp khó khăn, thương lái trong nước e ngại thu mua số lượng lớn. Vì thế, dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa có người gom.
"Hiện một số hộ đã bán dưa với giá 1.500 đồng/kg. Nếu chúng tôi thu hoạch 3,5 ha dưa hấu được hơn 140 tấn, bán với giá thị trường như vậy thì vụ dưa này, cả nhà lỗ gần 300 triệu đồng. Gia đình tôi đứng ngồi không yên khi dưa hấu đã sắp quá ngày thu hoạch mà giá thấp quá", ông Lành chia sẻ
Cùng chung hoàn cảnh, ông Võ Văn Chánh(54 tuổi, trú Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đang rất lo lắng khi trồng 3,4 ha dưa hấu đã đến thời gian thu hoạch nhưng vắng bóng thương lái đến "nhòm ngó". Dưa rớt giá kỷ lục trong 15 năm làm nghề càng khiến ông nhiều ngày "thấp thỏm".
Theo ông Chánh tính toán, với diện tích 3,4 ha, chăm sóc tốt thì thu được gần 140 tấn dưa. Nếu giá dưa 3.500 đồng/kg thì hòa vốn, còn 1.500 đồng/kg như hiện nay thì lỗ nặng.
Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ ổn định, chi phí đầu tư sản xuất thấp, giá dưa hấu dao động khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg thì người trồng còn có lợi nhuận. Còn năm nay, chi phí đầu tư như phân bón, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng cao và đầu ra nông sản còn bị tắc nghẽn, không biết sao đây, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời trong khâu tiêu thụ.
"Vụ trước, ở thời điểm này, các thương lái đã tới tận vườn tranh nhau mua dưa với số lượng lớn. Nhưng năm nay, chưa có thương lái nào ghé xem. Cũng có người đến nhưng họ mua với số lượng rất ít. Cả một tuần nay, tôi gọi chục mối quen thu mua dưa nhưng đều nhận chung một câu trả lời là giá thấp, cửa khẩu thông quan khó khăn và giá xăng, dầu tăng nên vận chuyển tốn kém, phập phù", ông Chánh buồn rầu nói.
Bà Nguyễn Thị Thu (thương lái ở Quảng Ngãi) cho hay, nhìn chung các loại nông sản của Việt Nam đều đang khó tiêu thụ do thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc thu mua, vận chuyển dưa hấu cũng rất khó khăn. Mặc dù cửa khẩu ở phía Bắc đã mở nhưng lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn còn hạn chế, rủi ro cao nên thương lái chỉ dám mua với giá thấp.
Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pa, vụ dưa hấu Đông xuân năm 2022 toàn huyện có gần 1.000 ha, sẽ cho sản lượng hơn 40.000 tấn.
Hiện người trồng dưa đã thu hoạch khoảng 70% diện tích nhưng do thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn nên giá dưa tại ruộng chỉ ở mức 1.500 đồng/kg. Với giá này thì người trồng dưa sẽ thua lỗ nặng và trắng tay.
Hầu hết diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn huyện là các hộ dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất để canh tác và dưa hấu chưa có trong quy hoạch các loại cây trồng của huyện vì không ổn định về thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, thương lái đến mua dưa tại huyện theo hình thức tự do, không có ký kết hợp đồng hay trợ giá tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nên chính quyền và ngành chức năng không thể đưa ra những định hướng, hỗ trợ.
"Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pa sẽ tham mưu cho UBND huyện để cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm dưa hấu của huyện, tiến đến xuất khẩu chính ngạch để giá dưa hấu khi xuất bán được ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm hơn", ông Duyên nói thêm.
(Theo Dân trí)
Hơn 3 tháng tắc vẫn hoàn tắc: Dưa hấu, thanh long còn 1.000-2.000 đồng/kg
Xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu suốt 3 tháng ròng. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt kéo theo nhiều mặt hàng nông sản lao dốc, giá tại ruộng giảm còn 1.000-2.000 đồng/kg.