Ka tê là Tết cổ truyền của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà la môn đã tồn tại lâu đời và đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc Chăm. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì làm mưa thuận gió hòa cho bà con sản xuất được mùa, mọi gia đình được no cơm, ấm áo.

Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… 

Lễ hội Ka tê

Hôm 19/10, đoàn công tác do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho Ban điều hành khu phố, các vị sư cả, chức sắc, người có uy tín cùng các hộ người Chăm Bà la môn đang sinh sống tại khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc.

Ông Lê Sơn Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của đồng bào Chăm chung sức cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chính sách đề ra, góp phần xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn các vị sư cả, chức sắc, người có uy tín cùng đồng bào người Chăm tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước; phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, chung sức, đồng lòng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Dịp này, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã đến thăm, trao tặng thiết bị dạy học và 20 suất học bổng tiếng Anh cho học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận.

Được biết, những năm qua, để giúp đồng bào Chăm có đời sống ổn định, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản suất như: hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật kết hợp với hướng dẫn đồng bào thâm canh tăng vụ cây lúa nước, trồng thanh long, đào tạo nghề… Cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện khu vực đồng bào Chăm cũng được Nhà nước đầu tư, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm đã có nhiều thay đổi.

Vĩnh Sang, Tuấn Kiệt, Hoài Thanh