Thực tế trên được ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest dẫn ra tại tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản” và ra mắt đặc san “Khơi dòng tài chính bất động sản” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức hôm nay (12/12).
Nhu cầu thực rất cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm
Có thể thấy, chỉ trong một năm qua, nhiều dự án chung cư đã tăng giá khoảng 10 triệu đồng/m2. Như vậy, mỗi căn chung cư tăng giá hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Đánh giá thị trường bất động sản, ông Hiệp cho rằng, vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết hiện nay là tình trạng lệch pha cung - cầu của thị trường.
“Giá bán của các dự án bất động sản vẫn đang tăng lên hàng ngày. Điều này cho thấy, với phân khúc ở thực, nhu cầu thực rất cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm”, ông Hiệp nói.
Về nguyên nhân của sự lệch pha cung cầu này, theo vị Chủ tịch GP. Invest, vấn đề nằm ở những ách tắc trong pháp lý.
"70% vướng mắc là ở pháp lý, đây là vấn đề tôi đã nói rất nhiều lần ở nhiều diễn đàn nhưng hôm nay tôi vẫn phải nhấn mạnh bởi chỉ có tháo gỡ về mặt pháp lý thì thị trường bất động sản mới được khơi thông”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Lãnh đạo GP. Invest phản ánh rằng hiện nay cần quá nhiều thủ tục hành chính, điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Để khơi dòng tài chính bất động sản, ông Hiệp đề xuất cần tiếp tục khôi phục niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bởi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang loay hoay với trái phiếu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch GP. Invest cũng khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tốt dòng vốn nước ngoài bởi dòng vốn này đang khá rẻ.
Ông Hiệp cũng đề xuất các cơ quan quản lý cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng, đồng thời rút ngắn quy trình để hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp kịp thời hơn.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc EZ Property cũng cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp “vỡ trận” vì tiền sử dụng đất. Hệ lụy là các địa phương cũng gặp khó trong việc thu ngân sách.
"Tôi ví dụ có địa phương ở miền Bắc, tính thu tiền sử dụng đất năm 2023 hơn 12.000 tỷ đồng nhưng giờ mới thu được khoảng 1.100 tỷ đồng. Tôi cho rằng Luật Đất đai phải rất rõ ràng về tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp", ông Toản nói.
Có dự án nhà ở xã hội 8 năm không xong pháp lý
Để khơi thông tài chính bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng nên tập trung nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là thị trường có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao nhưng hiện tại chúng ta chưa làm được.
Từ quá trình khảo sát nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu lên nhiều khó khăn khi thực hiện như nhà ở xã hội không phải nộp thuế sử dụng đất, đất đó lại là đất công, không thế chấp được tại ngân hàng để vay nên các ngân hàng không mặn mà.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, toàn bộ cơ chế đấu thầu nên thông thoáng hơn, doanh nghiệp nào có năng lực thì nên chỉ định xây dựng để thực hiện nhanh chóng.
Về vấn đề tài trợ cho người mua nhà, vị chuyên gia cho biết, cần tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng. Hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm. Ví dụ như mua một nhà ở xã hội thì người mua được vay vốn ngân hàng và chỉ chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì chính phủ bù.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là thiếu cung dư cầu.
“Chìa khóa xử lý ở đây là nhà ở xã hội, bình dân. Trên nền tảng đó mới hạ thấp được mặt bằng giá của nhà đất. Từ đó mới tái cấu trúc lại thị trường bất động sản”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản đánh giá, làm nhà ở xã hội hiện nay nhiều khi còn khó hơn nhà ở thương mại, vì quá nhiều thủ tục. Như việc tính tiền sử dụng đất rồi lại miễn, riêng quá trình đó mất 2 năm. Có những dự án 8 năm rồi không xong được pháp lý, trong khi chủ trương đầu tư đã có rồi.
Từ đó, theo lãnh đạo doanh nghiệp, cần tập trung gỡ vướng từ nhà ở xã hội, nhà giá rẻ và lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý.