Doanh nghiệp niêm yết
* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 28/2, nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó có bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vincom Retail (VRE), Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) quay đầu tăng trở lại sau nhiều phiên chịu áp lực giảm mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đa số tăng giá.
Chỉ số VN-Index tăng 3,43 điểm lên 1.024,68 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,88 điểm xuống 202,38 điểm. Upcom-Index tăng 0,6 điểm lên 76,44 điểm.
* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn tiếp tục ở mức thấp, đạt 7.300 tỷ đồng, trong đó có 6.480 tỷ đồng trên sàn HOSE, giảm 30% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong gần 28 tháng.
* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 16,4 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết HOSE và HNX.
* Tự doanh: Trong phiên 28/2, tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hơn 49 tỷ đồng.
* Nhóm bất động sản: Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa cho dù số lượng mã tăng vào đầu phiên khá mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một số doanh nghiệp lớn trên sàn có thể xoay được nguồn vốn để giải quyết những khó khăn hiện tại như: dòng tiền sụt giảm, gánh nặng nợ nần lớn và thị trường bất động sản trầm lắng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gần đây, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn đã hoán đổi cổ phần thành công cho đối tác ngoại Dallas Vietnam Gamma Ltd. để hủy lô trái phiếu 4.600 tỷ đồng, giảm gánh nặng nợ nần.
Novaland (NVL) và Phát Đạt (PDR) cuối phiên quay đầu giảm nhẹ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng duy trì được mức tăng khá. Vincom Retail (VRE) tăng 950 đồng lên 26.700 đồng/cp; Vinhomes (VHM) tăng 600 đồng lên 41.500 đồng/cp.
* Ngân hàng: Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tiếp tục chịu áp lực bán và giảm khá mạnh. Vietinbank (CTG) và BIDV (BID) cũng bị bán ra nhiều. Trong khi đó, Vietcombank (VCB) là trụ khá vững trên thị trường, với mức tăng 700 đồng lên 93.500 đồng/cp.
* HBC: Hậu cuộc chiến quyền lực, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đặt mục tiêu lãi 125 tỷ đồng trong năm 2023 sau khi lỗ kỷ lục hơn 1.140 tỷ đồng vào năm 2022. Mục tiêu doanh thu giảm 11,5% xuống 12.500 tỷ đồng. Kế hoạch dự kiến trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 26/4 tới. Ông Lê Viết Hải tiếp tục là Chủ tịch HBC. Trong khi đó, đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú sẽ được xem xét thông qua tại ĐHCĐ.
* TCB: Tự doanh mua ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng Techcombank (TCB) trong phiên ngày 28/2.
* AMD: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cho biết chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu AMD khiến giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (20-24/02/2023). Sau những lùm xùm liên quan đến “họ FLC”, cổ phiếu AMD bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch từ ngày 24/10/2022.
* DGC: Quỹ của Dragon Capital bán bớt 500.000 cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang trong bối cảnh giá cổ phiếu của ông lớn hóa chất đã sụt giảm 14% so với đầu năm.
* FLC: Ngày 27/2, Tập đoàn FLC nhận được đơn từ nhiệm của 3 thành viên ban lãnh đạo, gồm Tổng Giám đốc và 2 Phó Tổng Giám đốc, gồm: bà Bùi Hải Huyền - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty; 2 phó TGĐ Lê Thị Trúc Quỳnh và Đàm Ngọc Bích trong.
* NAB: Nam A Bank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục thực hiện các thủ tục niêm yết lên HOSE hoặc HNX.
* TTG: Sau "biến cố Đỗ Thành Nhân", Louis Capital (TGG) muốn đổi tên công ty và miễn nhiệm toàn bộ ban lãnh đạo.
* PDR: Phó Chủ tịch HĐQT Bất động sản Phát Đạt đăng ký bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu PDR.
*HTN: Hưng Thịnh Incons (HTN) lần thứ 3 lùi thời gian thanh toán cổ tức của năm 2021.
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK
* Thông tin Central Retail tăng đầu tư thêm 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023-2027 và đặt niềm tin và kinh tế Việt Nam… đã giúp nhiều nhà đầu tư thêm tự tin vào thị trường chứng khoán và sự hồi phục của các cổ phiếu trụ cột.
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ do giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,11%.
* Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 10,4% xuống 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16% xuống 46,62 tỷ USD. Xuất siêu 2,82 tỷ USD.
* Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng (Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1) giảm 6,3%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm nhiều nhất với 6,9%.
* Trong tháng 2, cả nước có hơn 8.800 doanh nghiệp thành lập mới và gần 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, khoảng 7.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 2 tháng, có gần 38.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 51.000 doanh nghiệp.
* Các ngân hàng thương mại cam kết cho 64 doanh nghiệp tại TP.HCM vay khoảng 11.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn từ 7%/năm và trung dài hạn là 10%/năm.
* Theo Tổng Cục Thống kê, trong năm 2022, thịt heo xuất chuồng đạt hơn 4.427 nghìn tấn, tăng 5,9% so với năm 2021. Trong khi đó, giá thịt heo giảm 10,68% sdo dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát. Giá thức ăn ở mức cao do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đây là yếu tố có thể khiến doanh nghiệp chăn nuôi còn gặp khó.
* Trung Quốc ghi nhận việc hoán đổi nợ (trái phiếu) thành vốn chủ sở hữu là một giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đây là một trong hàng loạt giải pháp để tháo ngòi “bom trái phiếu”.
* Fitch cho rằng, các ngân hàng ở hầu hết các quốc gia ở ASEAN đủ bộ đệm để vượt qua các cú sốc kinh tế. Tổ chức này đánh giá, áp lực lạm phát ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã giảm bớt so với ở châu Âu hoặc Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn.