Dòng tiền trên thị trường chứng khoán eo hẹp lại trong cuộc chiến chống lạm phát. Các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán ôm tỷ USD cho việc lớn, chắt chiu từng đồng hướng tới những dự án tầm cỡ quốc tế.
Chia sẻ với cổ đông, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup đang rất rất cần tiền cho các dự án lớn của mình, đặc biệt là VinFast. Trong thời gian tới, doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu Việt Nam sẽ chỉ đầu tư vào những dự án thực sự giúp ích cho định hướng chủ chốt của tập đoàn.
Gần đây, Vingroup đẩy mạnh hoạt động huy động vốn trong nước và quốc tế để thực hiện các dự án lớn. VIC sẽ phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 525 triệu USD trong tháng 5 và sẽ tiếp tục huy động thêm. Hãng xe VinFast của Vingroup cũng đã gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng đến Uỷ ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), kỳ vọng sẽ huy động khoảng 2 tỷ USD.
Cũng trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Vingroup cho biết sẽ sử dụng toàn bộ lợi nhuận lũy kế hơn 4,7 nghìn tỷ đồng để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính tới cuối quý I/2022, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Vingroup tiếp tục giảm nhưng vẫn còn khá lớn, đạt 18,6 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vingroup tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.
Cũng giống như Vingroup, nhiều doanh nghiệp đang giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn với định hướng để dồn lực cho các dự án lớn, chứ không hẳn là dùng tiền cho hoạt động đầu tư tài chính, mua bán thâu tóm.
Tính tới cuối quý I/2022, Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long có số dư tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới 46,3 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang dồn lực cho dự án Dung Quất 2 nhằm nâng sản lượng thép lên 14 triệu tấn và lọt vào top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới vào năm 2025.
GAS hay Cảng hàng không Việt Nam (ACV), FPT và Lọc hoá dầu Bình Sơn đều là những doanh nghiệp giữ lượng tiền mặt lớn. GAS đang đẩy mạnh các dự án kho chứa và trạm nạp LNG.
Masan Group (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, sau nhiều năm “shopping” các doanh nghiệp tốt trên và ngoài sàn chứng khoán, đang dồn lực phát triển hệ sinh thái tiêu dùng-bán lẻ The CrownX.
Thị trường chứng khoán gần đây chứng khoán gần đây chứng kiến thanh khoản sụt giảm. Dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi chứng khoán.
Trong phiên giao dịch 11/5, thanh khoản trên toàn thị trường đạt vỏn vẹn 12,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,5 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE, thấp khá nhiều so với trung bình 26,3 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2021, nhưng còn cao hơn so với mức trung bình 7,5 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2020 (khi chỉ số VN-Index quanh ngưỡng 700-900 điểm).
Báo cáo gần đây của FiinTrade cũng cho thấy, có tín hiệu các nhà đầu tư cá nhân có thể đã rút hàng nghìn tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán. Theo đó, trong tháng 4, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 với tổng giá trị bán ròng 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên số dư trên tài khoản lại không tăng tương ứng.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng bán ra cổ phiếu khi giá lên cao. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hoàn tất bán 400.000 cổ phiếu từ ngày 14/4 đến 11/5 giảm lượng nắm giữ từ 1,8 triệu cổ phiếu (0,24%) còn 1,4 triệu cổ phiếu (0,19%).
Tiếp tục chờ thanh khoản
Theo MBS, thị trường đang phục hồi nhờ áp lực bán giảm, nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật như hồi cuối tháng 4 nên thanh khoản có thể vẫn ở mức thấp. VN-Index đang có sự phân kỳ với tín hiệu đảo chiều đi lên, mức phục hồi trong phiên tới có thể ở ngưỡng 1.315 điểm trước khi lấp GAP.
Chứng khoán BIDV cho rằng, trong những phiên tới, VN-Index nhiều khả năng quay lại giao dịch trong vùng 1.240-1.290.
Chốt phiên giao dịch chiều 11/5, chỉ số VN-Index tăng 7,97 điểm lên 1.301,53 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3,01 điểm lên 333,04 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 98,79 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 12,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,5 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà