Ngày 19/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vừa có quyết định xử phạt CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu HAGL Agrico (HNG). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 17/5.
Theo đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch dùng cổ phiếu HAGL Agrico HNG (nơi ông Đức làm phó chủ tịch) bảo đảm cho khoản trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên tại tổ chức tín dụng.
Nhưng sau đó, Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên có nợ quá hạn nên ngân hàng bán giải chấp 20 triệu cổ phiếu HNG ngày 7/1 và bán 5,4 triệu cổ phiếu HNG vào ngày 10/1 trên tài khoản chứng khoán của CTCP Hoàng Anh Gia Lai để thu hồi nợ. Tuy nhiên, HAGL lại không báo cáo về việc dự kiến giao dịch số cổ phiếu trên.
Ủy ban Chứng khoán đã quyết định xử phạt HAGL 3 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với HAGL.
Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Tây Nguyên có địa chỉ trụ sở trùng với CTCP Hoàng Anh Gia Lai và là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Doanh nghiệp này được thành lập với mục đích hỗ trợ HAG trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, cuối tháng 4, ông Đoàn Nguyên Đức thông báo đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico để xử lý tài chính cá nhân.
Trong vài năm qua, HAGL liên tục thoái vốn khỏi HAGL Agrico trong một thỏa thuận bán mảng nông nghiệp cho tỷ phú USD Trần Bá Dương.
HAGL Agrico là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. HNG đặt mục tiêu 2022 với doanh thu hơn 1.730 tỷ đồng, gấp gần rưỡi 2021, nhưng dự kiến lỗ hơn 2,7 nghìn tỷ, chủ yếu do ghi nhận chi phí chuyển đổi và hủy bỏ vườn cây hai năm trở về trước.
Trên thị trường, chốt phiên ngày 19/5, cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức 6.230 đồng/cp, trong khi HAG kết thúc ở mức 9.030 đồng/cp.
Trước đó, HAGL cũng khiến các nhà đầu tư hoang mang về độ chính xác của các báo cáo. HAGL từng ghi nhận lợi nhuận bốc hơi sau kiểm toán. Theo đó, lãi sau thuế 6 tháng đầu 2021 của tập đoàn giảm gần 55% so với tại báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập trước đó xuống còn 8,3 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6/2021 của HAGL tăng hơn nghìn tỷ đồng so với đầu năm lên gần 7,4 nghìn tỷ đồng cho dù trong kỳ có lợi nhuận dương.
Đây không phải lần đầu tiền doanh nghiệp của Bầu Đức ghi nhận sự biến động mạnh về lợi nhuận sau kiểm toán. Hồi cuối tháng 2/2021, HAG bất ngờ ghi nhận khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng từ “quá khứ hiện về” sau khi báo cáo hồi tố khoản lỗ 5.000 tỷ đồng do tăng dự phòng các khoản phải thu khó đòi, khiến vốn chủ sở hữu bị mất đi 1/3.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, Ernst & Young Vietnam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi dư nợ 5.669 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2019) trên tổng giá trị phải thu ngắn - dài hạn 10.505 tỷ đồng.
Lợi nhuận 2017 của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm đáng kể sau kiểm toán. Lãi ròng sau kiểm toán giảm từ 629 tỷ xuống còn 70 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu năm 2017, HAGL của Bầu Đức cũng gây xôn xao khi điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2016 liên quan đến thương vụ bán HAGL Sugar.
Dòng tiền yếu
Theo BSC, mở cửa phiên giao dịch 19/5 với gap âm gần 30 điểm, tuy nhiên sau đó lực mua đã giúp VN-Index thuận lợi trở lại ngưỡng kháng cự 1.240 điểm. Chỉ số giằng co quanh vùng này suốt cả phiên chiều và kết phiên tại mốc 1.241,64 điểm, tăng 0,88 điểm. Những phiên tăng điểm gần đây thanh khoản liên tục suy yếu dần đi, cho thấy dòng tiền chưa thật sự ủng hộ sự phục hồi của thị trường.
Theo SHS, sự thận trọng của các nhà đầu tư khá cao. VN-Index kết phiên ngưỡng 1.200 điểm phiên thứ ba liên tiếp thì VN-Index vẫn nằm trong sóng hồi phục b với target đầu tiên theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.300 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng điều chỉnh a).
Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) thì thị trường một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh a. Tâm lý nhà đầu tư ít nhiều đã được trấn an sau 3 phiên hồi phục liên tiếp nhưng rõ ràng là sự thận trọng của nhà đầu tư đang khá cao khiến cho dòng tiền chưa đổ mạnh vào thị trường. Định giá của thị trường vẫn ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 ở quanh ngưỡng 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.
Chốt phiên giao dịch chiều 19/5, chỉ số VN-Index tăng 0,88 điểm lên 1.241,64 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 1,82 điểm xuống 308,02 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 94,58 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 15,0 nghìn tỷ đồng, trong đó có 12,8 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà