Nhiều DN lớn tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh và triển vọng kinh doanh tốt. Đây là cơ sở có thể giúp áp lực bán tháo cổ phiếu vài ngày qua trên thị trường chứng khoán suy giảm.
Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý I với nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, cũng như đưa ra kế hoạch tham vọng cho năm 2022.
Tập đoàn Masan (MSN) vừa có báo cáo cho biết, lợi nhuận quý I/2022 tăng trưởng 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số sau quý đầu tiên của 2022 cho thấy, doanh thu hợp nhất của Masan đạt 18.189 tỷ đồng. Trong đó, The CrownX (“TCX”), nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (“WCM”) và Masan Consumer Holdings (“MCH”), đạt doanh thu thuần 13.450 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% cũng như tăng trưởng doanh thu 20 - 30 tại MCH và MHT.
Đáng chú ý, chỉ số EBITDA trong Quý 1/2022 tăng trưởng 16,3%, đạt 3.655 tỷ đồng nhờ việc biên EBITDA tăng từ 15,7% trong Quý 1/2021 lên 20,1% trong Quý 1/2022. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 452,5%, đạt 1.895 tỷ đồng trong Quý 1/2022. LNST cho cổ đông công ty mẹ tăng 753,5% trong Quý 1/2022, đạt 1.596 tỷ đồng so với 187 tỷ đồng trong Quý 1/2021.
Trong cuộc họp ĐHCĐ sáng 28/4, Masan Consumer đã đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/CP, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp công ty trả cổ tức bằng tiền mặt.
Trong 2022, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu đầy tham vọng cho 2022 với doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ từ 90 nghìn tỷ đồng – 100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng năm 2021.
Trong đó, The Crown X dự kiến doanh thu 2022 đạt trong khoảng 68 nghìn tỷ đồng – 76 nghìn tỷ đồng, tăng từ 17% đến 31% so với năm 2021. Với đóng góp chính từ: WCM dự kiến doan thu 38 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 23% đến 29% so với năm 2021. Còn MCH dự kiến đạt mức 34 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021; MML đạt khoảng 5 nghìn – 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11 – 45% so với mức 4,5 nghìn tỷ đồng cùng kỳ; MHT dự kiến thu từ 14,5 nghìn – 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7 – 11%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính sẽ trong khoảng 6,9 nghìn - 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 82% - 124% so với mức 3,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 (sau khi loại trừ khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi).
Với tham vọng thu vầ gần 5 tỷ USD trong 2022, lãnh đạo Masan có chiến lược đầu tư lớn cho chuyển đổi số hướng tới xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ - Masan 4.0 trong lộ trình lộ trình 5 năm thiết lập nền tảng tiêu dùng – công nghệ.
Theo ông Danny Lê - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ POL là hệ sinh thái số offline-to-online bao gồm 3 thành phần chính. Đầu tiên là các sản phẩm, dịch vụ mà Masan cung cấp cho người tiêu dùng và đối tác kinh doanh; thứ hai là hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái và giải pháp thanh toán; thứ ba là một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua trí tuệ nhân tạo và máy học cũng như con người và tổ chức Masan.
Ông Danny Lê chia sẻ, công nghệ sẽ tích hợp 30.000 cửa hàng offline vào hệ thống logistics đầu cuối, giúp giảm chi phí để tiếp cận người tiêu dùng, tập trung vào lớp người tiêu dùng trẻ Gen Z và Millennial.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan bày tỏ niềm tin, “Trí tuệ Nhân tạo” là động lực thúc đẩy chuyển đổi. Chúng tôi tin rằng công nghệ AI và ML chính là con đường duy nhất để đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chính xác qua cả nền tảng offline cũng như online.”
Trong năm 2022 và 2023, Masan sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi mở rộng đầu tư vào công nghệ với trọng tâm áp dụng công nghệ AI và ML để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tầm nhìn 2025, dự kiến tiết kiệm 15% chi phí của chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty cũng cũng hướng đến việc phục vụ 30 – 50% người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị vòng đời đạt đến 30 – 50 tỷ USD.
Cập nhật quý I/2022, nhiều doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý I và triển vọng tích cực cho cả năm.
Ngân hàng SHB dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định... Trong năm 2022, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 87% lên mức gần 11,7 nghìn tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức từ 18%; nợ xấu dưới 1,3%.
Techcombank của ông Hồ Hùng Anh ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu nhập hoạt động đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Có cơ hội duy trì đà hồi phục
Theo MBS, thị trường phục hồi sang phiên thứ 2 liên tiếp kể từ mức đáy trong nhịp giảm 264 điểm vừa qua. Thanh khoản sụt giảm không phải là tín hiệu đáng ngại trong phiên 27/4, điều quan trọng cần nhìn thấy cuối nhịp giảm vẫn là biên độ dao động ở chỉ số, phiên 27/4 mức dao động giảm còn 1/2 so với 2 phiên trước đó. Ngoài ra, có thể nhận thấy ở nhịp giảm trong phiên sáng 27/4, áp lực bán giảm đáng kể, thị trường đi lên nhờ lực cầu nâng giá. MBS cho rằng, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, thị trường có nhiều cơ hội duy trì đà phục hồi với mức tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu nhỏ do nhóm này giảm nhiều nhất trong nhịp giảm vừa qua.
Theo VDSC, áp lực bán tiếp tục cho thấy sự suy yếu đi đáng kể, thể hiện qua diễn biến của chỉ số trong chiều tăng lẫn chiều 27/4 giảm đều trên nền thanh khoản thấp. Hay nói cách khác, dòng tiền đã không còn hứng thú bán cổ phiếu ở mức giá hiện tại. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng đối với chiều hồi phục của thị trường chung. Do đó, áp lực cung tiềm ẩn có thể sẽ gia tăng ở những vùng giá cao hơn. Dự kiến nhịp hồi phục của VN-Index vẫn tiếp diễn với vùng mục tiêu 1.390 +/– 10 điểm trong những phiên tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng nhịp hồi phục sẽ được nới, đồng thời tận dụng nhịp hồi phục này để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chốt phiên 27/4, chỉ số VN-Index tăng 12,43 điểm lên 1.353,77 điểm. HNX-Index tăng 11,92 điểm lên 357,09 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 101,37 điểm. Thanh khoản đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 14,5 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
V. Hà