Ocean Group sẽ thực hiện bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc lên tới hơn 1.072 tỷ đồng, tiêu biểu là khoản nợ tín chấp với nội dung hỗ trợ vốn, giá trị 380,5 tỷ đồng của CTCP ĐT&TM Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014; khoản nợ hợp tác ủy thác đầu tư giá trị 270 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bình Dương Xanh phát sinh năm 2014 có tài sản đảm bảo là 27 triệu cổ phiếu công ty Gia Phát; khoản nợ phải thu 145 tỷ đồng của Công ty phần Đầu tư Tư vấn Liên Việt phát sinh năm 2013.
Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) thành viên trong hệ sinh thái Ocean Group cũng thông báo về việc bán khoản nợ xấu phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDCON) với số dư nợ gốc (chưa bao gồm các khoản lãi, phạt) là hơn 640 tỷ đồng.
Giá khởi điểm đưa ra là 20 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc. Thời gian mở chào giá/thực hiện đấu giá cũng trong ngày 4/6. Tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 5 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo chuyển cổ phiếu OGC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 31/5/2022. Lý do được đưa ra là OGC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Ông Hà Văn Thắm bị Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố ngày 24/10/2014 với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đồng thời bị bắt tạm giam trong thời hạn 4 tháng.
Kể từ khi ông Thắm bị bắt, cổ phiếu OGC giảm không ngừng và khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy thua lỗ đậm. Chỉ trong vòng nửa năm cuối 2014, cổ phiếu OGC giảm 50% xuống ngưỡng 6.000 đồng/cp. Nhiều người lao vào bắt đáy cổ phiếu này ở thời điểm đó. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó bốc hơi thêm hơn 50% trong vòng 6 tháng tiếp theo và xuống mức 2.500 đồng/cp.
Theo Báo cáo tài chính tự lập quý I/2022, OGC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công đông của công ty mẹ là âm 21,25 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 9,78 tỷ đồng. Chính vì vậy, tính tới 31/3/2022, tổng lỗ lũy kế đã tăng từ 2.648,77 tỷ đồng lên 2.670 tỷ đồng, bằng 89% vốn điều lệ.
Thị trường còn áp lực
Thị trường phục hồi 2 tuần liền sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp, nhịp hồi 7/9 phiên tăng kể từ mức đáy ngày càng củng cố khả năng tạo đáy ngắn hạn và đã kích thích dòng tiền quay lại bắt đáy.
VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tuần (27/5) ở mức 1.285,45 điểm, tương ứng tăng 44,74 điểm (3,61%) so với tuần trước đó, tương tự, HNX-Index tăng 4,15 điểm (1,35%) lên 311,17 điểm, UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,25%) lên 95,29 điểm.
Theo VCBS, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng tín hiệu dòng tiền tích cực ở chiều mua chủ động cho thấy các nhà đầu tư đã tự tin hơn trong việc tham gia lại thị trường.
Các chỉ báo kĩ thuật cũng đều cho tín hiệu tích cực về xu hướng ngắn hạn. VN-Index vẫn đang trong quá trình hồi phục có thể kiểm tra thành công vùng kháng cự 1.300 điểm.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục rà soát danh mục để chốt lời dần số lượng cổ phiếu đã “bắt đáy” ngắn hạn thành công trước đó.
Với danh mục đầu tư trong dài hạn, nhà đầu tư tạm thời chưa nên gia tăng thêm tỷ trọng và cần chú ý theo dõi sát diễn biến thị trường trong tuần tới, có thể tích lũy thêm nếu xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh trong phiên khi chỉ số chung tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm.
VDSC nhận định, áp lực chốt lời hiện tại chưa tác động quá lớn đến xu thế tăng điểm của thị trường nhưng có thể sẽ tiềm ẩn và gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Dư địa tăng điểm của thị trường vẫn còn nhưng cần lưu ý vùng cản 1.300 điểm của VN-Index, có thể thị trường sẽ chịu áp lực cản lớn tại vùng này.
Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu khi thị trường chung đang tiến tới vùng cản, đồng thời, tận dụng nhịp tăng này để chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Duy Anh
Cổ phiếu PDC của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản tăng trần 10 phiên liên tiếp và ghi nhận một số mã cổ phiếu ngành du lịch tăng mạnh trong bối cảnh thị trường phân hoá.