Chốt phiên 3/10, chỉ số VN-Index giảm 37,15 điểm (tương đương giảm 3,22%) xuống 1.118,1 điểm. HNX-Index giảm 10,04 điểm (tương đương giảm 4,24%) xuống 226,68 điểm.
Thanh khoản tăng hơn gấp đôi với phiên liền trước, lên hơn 21 nghìn tỷ đồng trên HOSE. Trên sàn HOSE, có 481 mã giảm, tong đó, 57 mã giảm sàn. Ở chiều ngược lại, chỉ có 37 mã tăng nhẹ.
Mở cửa phiên giao dịch 3/10, chỉ số VN-Index giảm hơn 21 điểm về gần ngưỡng 1.130 điểm.
Trong 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30, chỉ có Ngân hàng SeABank (SSB) trụ ở mức giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm. Trong đó, nhiều mã giảm mạnh như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), GAS, FPT, BCM…
Thị trường giảm trên diện rộng nhưng sức cầu bắt đáy tăng trở lại.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng khi thanh khoản trên thị trường trong phiên liền trước (2/10) tụt giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Giá trị khớp lệnh trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, giảm 50% so với bình quân 20 phiên gần nhất.
Thị trường chứng khoán còn chịu áp lực do USD tăng rất mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY tăng vọt lên mức 107,13% vào đầu giờ sáng 3/10 (giờ Việt Nam). Đêm qua, chỉ số này đã vọt từ trên 105 lên trên 106 điểm. Đây là một mức giá rất cao nếu so với ngưỡng 100 điểm hồi giữa tháng 7. Chỉ số DXY hiện mức cao nhất trong 6,5 tháng.
Đồng USD tăng mạnh thường khiến dòng vốn bị rút khỏi các thị trường mới nổi, chảy về Mỹ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu “diều hâu” sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giữ trong thời gian dài. Hiện, lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất 22 năm là 5,25%-5,5%. Fed có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong tháng 11.
Với mức lãi suất cao như hiện tại, nhiều người lo ngại dòng vốn có thể bị rút ra ở nhiều thị trường chứng khoán khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chênh lệch lãi suất hiện ở mức cao. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ quanh quẩn ở mức 0,15-0,19%/năm.
Chênh lệch lãi suất lớn dẫn tới hiện tượng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), qua đó khiến nhu cầu đồng USD tăng vọt. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực bán các loại tiền tệ khác, trong đó có yen Nhật, franc Thụy Sĩ và cả vàng tăng mạnh. Dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi (EM) cũng đẩy USD đi lên.
Giới đầu tư cũng lo ngại hiện tượng giá cả hàng hóa leo thang, trong đó có giá xăng dầu. Qua đó có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng đạt gần 100.700 tỷ đồng từ 21/9 tới 2/10. Hoạt động này cũng tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư.
Trước đó từ tháng 3 tới nay, NHNN có 4 lần hạ lãi suất điều hành, kéo lãi suất huy động xuống mức thấp, chỉ khoảng 3-6%/năm cho các kỳ hạn. Tuy nhiên, với tình trạng dư thừa tiền mặt trong hệ thống lớn, hoạt động hút tiền về khiến nhiều người lo ngại về một kịch bản NHNN đảo chiều chính sách tiền tệ.
Từ đầu năm tới nay, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức thấp. Lãi suất cho vay qua đêm trên hệ thống liên ngân hàng cũng ở mức thấp kỷ lục.
Một yếu tố cũng ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường là việc NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30% từ ngày 1/10, theo đúng như lộ trình đã vạch ra trước đó theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Theo Chứng khoán KBSV, động thái này sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định tới lĩnh vực bất động sản. Các doanh nghiệp lĩnh vực này còn rất nhiều khó khăn, chưa hồi phục sau cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trầm lắng kéo dài hơn năm qua.
Việc NHNN hút bớt tiền cũng như kiểm soát vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được xem là động thái để kiểm soát tỷ giá khi đồng USD tăng vọt. Tuy nhiên, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN có thể phải bán ngoại tệ can thiệp nếu USD Index tăng lên mức 110 điểm.
Sáng 3/10, đồng USD được Vietcombank bán ra tăng 70 đồng so với phiên liền trước, lên 24.560 đồng/USD.
Áp lực trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là lớn. Đây cũng là thời điểm thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi thế giới còn nhiều thông tin bất lợi.
Dù vậy, về dài hạn, chứng khoán Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với nền kinh tế tăng trưởng vượt trội so với thế giới. Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nhờ vị trí chiến lược cũng như hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các mối quan hệ tốt đẹp với các nền kinh tế lớn, gần nhất là Mỹ.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, tăng trưởng ở hầu hết các ngành sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước phục hồi, đầu tư công tăng tốc.