Doanh nghiệp niêm yết
* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 14/2, nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục ngóng chờ Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững dời sang ngày 17/2.
Chỉ số VN-Index giảm 5,06 điểm xuống 1.038,64 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,37 điểm lên 204,86 điểm. Upcom-Index tăng 0,76 điểm lên 77,94 điểm.
* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn tụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, còn 7,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 6,723 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
* Khối ngoại: Khối ngoại mua ròng hơn 77 tỷ đồng trong phiên thị trường giảm điểm (trong đó mua 56 tỷ đồng trên HOSE) và tập trung giải ngân cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, trong khi bán mạnh Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
* Tự doanh: Tự doanh các CTCK bán ròng hơn 152 tỷ đồng phiên 14/2.
* FLC: HOSE hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu Tập đoàn FLC từ 20/2 do "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin". Chiều 14/2, FLC có văn bản khẩn thiết kiến nghị xem xét lại quyết định hủy niêm yết cổ phiếu vì hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
* FLC: Gần một năm qua, Tập đoàn FLC có tới 22 dự án nằm tại 10 địa phương đã bị dừng nghiên cứu, thu hồi chủ trương đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động.
* VNZ: Ngày 14/2 VNZ tăng trần phiên thứ 10 liên tiếp (9 phiên mỗi phiên tăng 15% và phiên đầu tăng 40%) lên 1.181.500 đồng/cp. Đây là cổ phiếu Việt đầu tiên có thị giá trên 1 triệu đồng. Vốn hóa VNZ đạt hơn 42,3 nghìn tỷ đồng (1,8 tỷ USD).
* VIC: Theo Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch đầu tư bằng tiền cá nhân vào VinFast. Tuy nhiên, thông qua Vingroup (51,52%), Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (33,48%) và Asian Star Trading & Investment (15%), ông Vượng đang kiểm soát 100% lợi ích tại VinFast.
*NVL: Tổng Giám đốc Novagroup bán xong hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL hôm 10/2 thông qua thỏa thuận và giảm sở hữu xuống hơn 4 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 0,208% vốn của Novaland.
* HBC: HĐQT Xây dựng Hòa Bình (HBC) có nghị quyết chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2/2023. Cuộc chiến quyền lực tại HBC có thể chấm dứt. Hiện tại, ông Lê Viết Hải vẫn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của Hòa Bình.
* EIB: ĐHCĐ bất thường lần 2 sáng 14/2, Eximbank dự kiến chia cổ tức tỷ lệ cao do năm 2022 vượt kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận tăng 280% so với 2021. Miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại (thành viên độc lập) và ông Trịnh Bảo Quốc. Bầu mới các thành viên: bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng (độc lập).
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK
* Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững chuyển từ dự định ban đầu vào ngày 14/2 sang thứ Sáu, ngày 17/2.
* Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM: Cần hành động ngay để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Nhiều doanh nghiệp lớn kiệt quệ, có nguy cơ “chết trên đống tài sản”.
* Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến sửa Luật Đất đai (sửa đổi), chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền...
* Tranh cãi về việc đánh thuế căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 tại Dự thảo Luật Thuế bất động sản: tại các thành phố lớn, mức giá này chỉ tương đương với căn hộ bình dân và trung cấp.
* Bộ Xây dựng đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội qua các ngân hàng thương mại.
* Tuần 6-10/2, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 145 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở trong bối cảnh tỷ giá USD tăng trở lại và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm.
* Nhiều CTCK khuyến nghị nhà đầu tư cần tính tới xác suất VN-Index thủng 1.000 điểm và hạn chế "bắt đáy" sớm.
* Chứng khoán Yuanta cho rằng mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng ổn định trở lại. Sau Tết Nguyên đán, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động khoảng 0,5-1%/năm. Dù vậy, chưa kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt khi mà Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục nâng lãi suất.
* VietABank ngược chiều xu hướng chung. Ngân hàng này nâng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, lên mức 9,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng-36 tháng.
* Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng 0,26% lên 1,71% do tác động của lãi suất cho vay cao hơn.
* Chứng khoán Rồng Việt dự báo, trong năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu.
* Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp trung ương và các cơ quan có liên quan sớm có kết luận đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để hoàn trả tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
* Viện Nghiên cứu kinh tế Lowy (Úc) dự báo quy mô GDP theo ngang giá sức mua (PPP) của Việt Nam vượt mốc 2.000 tỷ USD vào năm 2030, xếp thứ 9 thế giới.
* Chuyên gia ngân hàng Mỹ Wells Fargo cảnh báo Fed có thể sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.
* Khó trông chờ vào Trung Quốc để giải cứu kinh tế thế giới: Những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hồi sinh các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc phần lớn chỉ có lợi cho các ngành dịch vụ trong nước.
* Chứng khoán Lào hôm 14/2 lên cao nhất trong vòng 5 năm, đạt 1.072,97 điểm, vượt chỉ số VN-Index của Việt Nam.