Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/10, áp lực bán khiến VN-Index mất ngay hơn 17 điểm. Sức cầu bắt đáy sau đó đã kéo chỉ số này bớt giảm. Tuy nhiên, có lúc VN-Index giảm tới gần 23 điểm và về sát ngưỡng 1.010 điểm.
Chốt phiên sáng 10/10, sức cầu giúp VN-Index chỉ còn giảm nhẹ 5,36 điểm và trụ trên ngưỡng 1.030 điểm. Thanh khoản đạt mức trung bình, khoảng 8.000 đồng trên cả 3 sàn, trong đó có gần 7.200 tỷ đồng trên HoSE.
Tuy nhiên, sang phiên chiều, sức cầu bắt đáy khiến nhiều cổ phiếu trụ cột tăng điểm, qua đó giúp VN-Index đảo chiều tăng 6,57 điểm lên 1.042,48 điểm. Thanh khoản tăng lên trên mức trung bình, đạt 16,4 nghìn tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số vẩn giảm, trong đó có TPBank cuối phiên giảm sàn; Techcombank và Vietcombank giảm mạnh.
Dù vậy, nhìn chung nhiều nhà đầu tư đã trải qua thêm một phiên khá bi quan. “Trung bình giá gì tầm này nữa, có biết đâu là đáy”, ông Nguyễn Cường, một nhà đầu tư tại Hà Đông chia sẻ.
Theo nhà đầu tư này, thị trường liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong thời gian gần đây, riêng trong tuần qua đã mất cả trăm điểm vì áp lực bán còn mạnh, trong khi sức cầu thấp do tiền eo hẹp.
Theo ông Cường, thị trường đã thủng 1.100 điểm thì không có gì là không thể, mốc 1.000 điểm cũng có thể thủng dù đây là một ngưỡng hỗ trợ rất mạnh về mặt tâm lý cũng như mặt bằng xác lập trong nhiều năm qua. Thị trường từng chứng kiến những cú giảm chia 2 chia lần trong khoảng một năm.
Trong năm 2022, VN-Index ghi nhận đỉnh cao hơn 1.520 điểm vào đầu tháng 4 và hiện mất khoảng 500 điểm.
Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, trong đó có 3 mã có lúc giảm sàn như Techcombank, TPBank và VPBank. Tới cuối phiên sáng, một vài cổ phiếu ngân hàng đã xanh nhẹ trở lại, nhưng phần lớn vẫn giảm giá.
Thị trường cũng chịu áp lực từ triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai, khi các ngân hàng tăng mạnh lãi suất. VPBank, Techcombank nằm trong số các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi. Trong hai tuần qua, các ngân hàng này đã hai lần điều chỉnh lãi suất với mức tăng rất mạnh, thêm tổng cộng 100-130 điểm phần trăm, với mức cao nhất cũng đã lên tới 8%/năm.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại một số ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng vì tham gia khá tích cực vào mảng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.
Hôm 8/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông (một trong những DN nằm trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HDQT) và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Theo cáo buộc, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước sau đó cho biết, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông sẽ có trách nhiệm trả tiền đầu tư.
Quyết định khởi tố An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan là động thái tiếp theo của các cơ quan chức năng nhằm làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu. Trước đó, Bộ Tài chính đã có Nghị định 65 thay thế Nghị định 153 nhằm tăng cường quản lý thị trường vốn này.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu cho rằng, thị trường đã giảm quá nhiều và đây là cơ hội để nhiều mua vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, đầu tư lâu dài.
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt hàng đầu trên thế giới với tăng trưởng GDP cao và lạm phát thấp, nhưng thị trường chứng khoán giảm mạnh. Trong tuần đầu tháng 10/2022, thị trường cổ phiếu Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới, đưa định giá thị trường nói chung về vùng thấp nhất trong thập kỷ qua. P/E của VN-Index hiện rơi xuống mức 10,6x lần, gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012.
Nhiều tổ chức gần đây đưa ra những đánh giá rất tích cực về kinh tế Việt Nam. Hầu hết đều dự báo tăng trưởng GDP trong 2022 sẽ đạt 6,5-8,5% và coi đây là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo Dragon Capital, thị trường cổ phiếu Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định. Pyn Elite Fund thậm chí cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng như tài chính Việt Nam nói chung đang gặp vấn đề về thanh khoản. Giao dịch trên thị trường cổ phiếu tụt giảm trong vài tháng qua. Trên hệ thống ngân hàng, tình trạng thanh khoản yếu cũng được thể hiện qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt.
Trong khi đó, trên thế giới, thị trường tài chính toàn cầu cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Thị trường tài chính Anh có thời điểm đứng trước bờ vực khủng hoảng đổ vỡ và chỉ thoát ra sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhảy vào cứu thị trường trái phiếu.