Cổ phiếu tăng giá mạnh, thanh khoản thấp
Thị trường cổ phiếu ghi nhận một phiên giao dịch tích cực 27/6 với hàng loạt cổ phiếu tăng điểm. Chỉ số VN-30 tăng hơn 21 điểm, nhiều mã tăng trên 5% như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Thép Hòa Phát (HPG)…
Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng hơn 17 điểm, vượt lên trên ngưỡng cản tâm lý quan trọng: 1.200 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, vật liệu xây dựng (thép), vận tải biển, dầu khí… đều tăng mạnh. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường. Việc nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng giá mang đến kỳ vọng tốt cho các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, thanh khoản trên thị trường vẫn khá yếu. Tổng cộng có 14 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên 3 sàn, trong đó có 12,3 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, khối Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng, trong bối cảnh khi các rủi ro, đặc biệt trên bình diện thế giới vẫn đang ở mức khó lường cùng với việc nhà đầu tư cá nhân đã phải trải qua nhiều cú sốc lớn về mặt tâm lý sau giai đoạn giảm mạnh từ đầu tháng 4, chắc chắn mức độ tham gia thị trường của một bộ phận nhà đầu tư - đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân - sẽ có sự giảm sút đáng kể trong thời điểm hiện nay.
Sự hoài nghi và thận trọng về tương lai ngắn hạn của thị trường vẫn là lớn. Do đó, hiện tượng thanh khoản thấp tới đây có thể tiếp tục diễn ra, cho đến khi có thêm các tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, khi trạng thái thanh khoản thấp còn tiếp diễn, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thận trọng và linh hoạt. Thận trọng thể hiện qua việc khi tham gia giao dịch, nhà đầu tư chỉ nên thực hiện với một mức tỷ trọng nhỏ và linh hoạt nương theo dòng tiền để hoán chuyển một cách nhanh chóng giữa các dòng cổ phiếu với nhau. Nhìn chung, đây vẫn sẽ là giai đoạn chưa dễ dàng tạo lợi nhuận tốt cho các hoạt động giao dịch ngắn hạn.
Còn trong dài hạn hơn, đến cuối năm nay và đầu năm sau, bộ phận phân tích của Maybank vẫn có quan điểm lạc quan, thị trường có thể trở lại vùng đỉnh quanh 1.500 điểm trong 6 đến 12 tháng tới.
Chờ tín hiệu lạm phát tích cực hơn
Nhiều báo cáo đánh giá gần đây cho rằng, tình trạng lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới và hiện tượng một số mặt hàng nguyên nhiên liệu trong nước leo thang (như xăng dầu) đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số báo cáo đánh giá cho rằng, tình trạng lạm phát không quá căng thẳng ở Việt Nam và triển vọng các doanh nghiệp trong nước vẫn tươi sáng.
Ngân hàng UOB Việt Nam dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 3,7%, thấp hơn mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau khi chạm mức thấp nhất trong gần một năm 1,4% vào tháng 2, lạm phát ở Việt Nam có xu hướng tăng lên 2,86% vào tháng 5.
Giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần làm tăng mức lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng với tốc độ hai con số trong 14 tháng qua.
Tuy nhiên, do Việt Nam có khả năng cung cấp thực phẩm trong nước nên áp lực tăng giá phần lớn bị chi phối bởi các thành phần liên quan đến vận tải của rổ giá tiêu dùng, chiếm khoảng 3/4 mức lạm phát cho đến nay, so với mức bình quân 50% vào năm 2021. Với xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 100 ngày và sự căng thẳng cũng như các lệnh trừng phạt chưa có dấu hiệu giảm bớt, UOB dự đoán tỷ lệ lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% vào năm 2022 và tăng lên 5% vào năm 2023.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, lạm phát ở Việt Nam tính đến hiện tại vẫn chưa phải là quá mức đáng ngại. Theo đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nhiều từ vấn đề này.
Về ngắn hạn, một số ngành vẫn tích cực. Trong quý 3, Maybank cho rằng các nhà đầu tư có thể quan tâm các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản công nghiệp và bán lẻ tiêu dùng.
Ngân hàng là nhóm cổ phiếu có vốn hóa cao nhất của thị trường. Giai đoạn thị trường rơi mạnh vừa qua đã đưa định giá của nhóm ngành này về các mức rẻ hơn đáng kể. Kết hợp với tình hình kinh doanh được dự báo vẫn sẽ khả quan của nhóm này trong các quý tới đây, các cổ phiếu ngân hàng có thể là một lựa chọn an toàn với rủi ro giảm giá sẽ không còn lớn và tiềm năng ở mức cao.
Với nhóm khu công nghiệp, quý III được dự báo sẽ là giai đoạn phục hồi của ngành này. Việc quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án các đường cao tốc lớn sẽ là thông tin hỗ trợ tốt cho ngành. Thông thường thì điểm rơi lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp sẽ rơi vào quý III, quý IV trong khi 2 quý vừa qua chưa nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và cũng có mức độ giảm giá đáng kể.
Còn với nhóm bán lẻ, tiêu dùng, trong thời điểm quý III năm trước, nhóm này có kết quả yếu nhất do ảnh hưởng từ việc phong tỏa vì dịch bệnh. Mặc dù có một số lo ngại về lạm phát sẽ ảnh hưởng nhất định lên sức mua, cá nhân ông Lâm cho rằng kết quả quý III năm nay của nhóm bán lẻ sẽ vẫn ấn tượng, đặc biệt khi so sánh với nền kết quả thấp của quý III năm ngoái.
Với nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu vụt tăng với thanh khoản thấp là do lực bán yếu dần. Nhiều người không chấp nhận bán cổ phiếu ở mức giá thấp. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu chưa sẵn sàng nhập cuộc. Thị trường cần có những cú huých để bứt phá đi lên.