Việc lỡ hẹn với nâng hạng thị trường trong năm 2023 cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại chưa mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi.
Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới.
Gần đây, tín nhiệm quốc gia được thế giới đánh giá cao. Đây là một thuận lợi cho việc nâng hạng.
Trên thực tế, bài toán lên hạng của TTCK Việt Nam đã được đưa ra từ cả thập kỷ và theo Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng nó phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của các nhà chức trách Việt Nam.
Việc lỡ hẹn với nâng hạng thị trường trong năm 2023 cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại chưa mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Khối ngoại bán ròng khoảng 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu trong năm 2023.
Theo đánh giá chung của phần lớn các tổ chức quốc tế, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ để nâng hạng là: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí này, trong đó có việc đưa hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX vào vận hành.
Nhiều người kỳ vọng giấc mơ nâng hạng TTCK sẽ sớm trở thành hiện thực khi mà nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá và là điểm sáng trên thế giới, quy mô TTCK Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngang với nhiều nước trong khu vực, với thanh khoản thời kỳ sôi động cuối 2021 đầu 2022 vừa qua vượt Singapore và chỉ xếp sau Thái Lan.
Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp quy mô tầm cỡ khu vực như Vingroup, Vinhomes, Vietcombank, Masan, Vinamilk…
Về cơ bản, Việt Nam được đánh giá sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường và khi đó chứng khoán Việt sẽ hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện quy mô vốn của các quỹ phân bổ cho thị trường cận biên chưa tới 100 tỷ USD, trong khi đó dòng tiền dành cho các thị trường mới nổi vào khoảng 6.800 tỷ USD. Sự bùng nổ có thể xảy ra trong một vài năm tới.
Hôm 14/11, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại TP Los Angeles, bang California - Mỹ, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK bao gồm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới.
Từ đó có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của TTCK và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.
Gần đây, các công ty chứng khoán bước vào cuộc đua tăng vốn giành thị phần trước khi TTCK bùng nổ.
Các điểm chính trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030
Mục tiêu tổng quát trong chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; xây dựng hệ thống quản lý, giảm sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Theo chiến lược, tới 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và tới năm 2030 là 120% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030. TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Mục tiêu tiếp theo là, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025.