- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi như vậy tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 vừa diễn ra sáng 18/5.

Phát biểu sau khi trao giải thưởng và lắng nghe 2 nhà khoa học đoạt giải năm nay trình bày những suy nghĩ, kiến nghị của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, mỗi năm đến Ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) 18/5, ông lại ngồi xem lại xem trong năm vừa qua, giới KHCN đã làm được những gì và tới đây sẽ phải làm gì để KHCN thực sự trở thành động lực như các văn bản của Đảng, Chính phủ và tất cả mọi người vẫn nói.

"Năm vừa qua, chúng ta đã kế thừa những năm trước và có những bước đổi mới đáng mừng. Một trong những điều đó là sự hiện diện trong hội trường này những gương mặt trẻ, những người trong giới khoa học không chuyên, những bạn trong cộng đồng startup và đặc biệt là các doanh nghiệp".

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh (trái) trao giải cho 2 nhà khoa học đoạt giải Tạ Quang Bửu 2017. Đây là năm đầu tiên có giải thưởng trao cho lĩnh vực Hóa học đồng thời cũng là năm đầu tiên, các nhà khoa học đoạt giải thưởng này không làm việc tại Hà Nội. Ảnh: Lê Văn.

Theo Phó Thủ tướng điều này thể hiện những nỗ lực, cố gắng để cả xã hội tham gia vào hoạt động khoa học, từng bước khai thác tiềm lực, sức trẻ của Việt Nam và từng bước đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, một mặt chúng ta phấn khởi vì những người làm khoa học đã rất cố gắng trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ chế chính sách và cả quan niệm xã hội, song so sánh với các nước xung quanh thì vẫn còn khoảng cách lớn.

Ông nêu ví dụ, số công trình khoa học công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam trong 5-6 năm vừa qua tăng 20%.

"Nói đi như vậy là rất phấn khởi. Nhưng nói lại, nhìn xung quanh, chúng ta chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia, 1/5 của Singapore".

Còn bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam, trong 5 năm gần đây tăng 60%. Nhưng so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của HQ và 1/3170 của Trung Quốc.

"Chúng ta có trăn trở không? Có day dứt không?"

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, chi ngân sách cho khoa học công nghệ mỗi năm là 2% tổng chi ngân sách là rất ít, chỉ khoảng trên 15-16 ngàn tỉ. Tuy nhiên, nếu sử dụng tốt thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

Dẫn lại kiến nghị của các nhà khoa học đạt giải, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải công khai minh bạch tất cả các khâu trong việc tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học. "Hai ba năm nay, lần nào xuống tôi cũng nói yêu cầu này".

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Lê Văn.

Phó Thủ tướng cho rằng, phải tạo môi trường, hỗ trợ điều kiện cần thiết và truyền cảm hứng để những sinh viên ĐH tốt nghiệp ra trường sẵn sàng hiến thân cho khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng, là phải làm cho nhận thức chung của xã hội, hiểu biết của xã hội về khoa học được nâng lên.

Tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã trao giải cho 2 nhà khoa học đoạt giải Tạ Quang Bửu 2017 là PGS.TS. Nguyễn Sum, Trường ĐH Quy Nhơn với công trình "Về bài toán hit của Peterson", GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) với công trình “Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác”.

Lê Văn

Bộ trưởng Giáo dục gửi thư chúc mừng 2 nhà khoa học đoạt giải Tạ Quang Bửu 2017

Bộ trưởng Giáo dục gửi thư chúc mừng 2 nhà khoa học đoạt giải Tạ Quang Bửu 2017

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa gửi thư chúc mừng GS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) và PGS. Nguyễn Sum (Trường ĐH Quy Nhơn) vừa nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

"Không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng"

"Không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng"

GS. TS Phan Thanh Sơn Nam cho rằng khi đánh giá hoạt động khoa học thì nên theo chuẩn mực quốc tế chứ không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng.

"Sẽ thay đổi cách phân bổ ngân sách nghiên cứu trong trường đại học"