Hai anh cảnh sát đứng trước màn hình máy tính. Trước mặt họ là một hình ảnh mờ mờ ảo ảo trích xuất từ camera an ninh.

camera

"Làm rõ nó lên cho tôi" - anh cảnh sát cấp bậc cao hơn nói. Anh cấp dưới nhanh tay bấm vài phím, và đột nhiên, hình ảnh biến đổi, làm lộ rõ một mẩu chứng cứ quan trọng trong vụ án.

Đó là trong phim. Còn ngoài đời, chúng ta có làm được điều đó hay không?

Từ tưởng tượng đến thực tế

Công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng trong phim ảnh, và kỹ thuật tăng cường hình ảnh là một trong những thứ được phô diễn thường xuyên nhất, xuất hiện khắp mọi nơi trên phim ảnh.

Ai cũng biết rằng, khoa học viễn tưởng luôn thú vị hơn nhiều so với đời thực. Hình ảnh cũng là một dạng thông tin, trong đó mỗi điểm ảnh đại diện cho một mẩu dữ liệu. Dù rằng việc dùng kỹ thuật pháp y để tinh chỉnh hình ảnh, khiến một số yếu tố nhất định trở nên rõ nét hơn, là hoàn toàn khả thi, bạn chẳng thể trích xuất được gì từ hư vô cả. Chính vì vậy, thành công của bất kỳ hoạt động phân tích hình ảnh nào cũng phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, bao gồm chất lượng của camera và những điều kiện ở thời điểm đoạn phim được quay.

Lấy ví dụ một cửa hàng tạp hóa sử dụng một camera an ninh VGA lỗi thời được mua từ giữa thập niên 2000, và bỗng có kẻ đột nhập khoắng đi thứ gì đó. Trong quá trình tên trộm rời khỏi hiện trường, miếng che mặt của hắn tuột ra, và khuôn mặt hắn lộ diện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vài giây sau, tên trộm đã an vị trên một chiếc xe hơi, cao chạy xa bay khỏi tầm nhìn của camera.

Giả sử trong khoảnh khắc ngắn ngủi kia, khuôn mặt của nghi phạm hiện ra trong một khu vực nhỏ của một khung hình với chiều cao 50 pixel và chiều rộng 25 pixel (tức tổng số điểm ảnh là 1.250 pixel). Đó là một khung hình khá nhỏ - và hầu hết các đặc điểm nhận dạng có thể cho phép bồi thẩm đoàn xác nhận danh tính của nghi phạm (như hình xăm, cấu trúc khuôn mặt, vết sẹo…) sẽ rất mơ hồ và không rõ ràng.

Hãy nhớ rằng, điểm ảnh là dữ liệu. Nếu dữ liệu không tồn tại, bạn không thể  "gọi hồn" nó lên được. Bạn không thể bằng cách nào đó xử lý một mẩu hình ảnh nhỏ xíu, đầy nhiễu hạt, thành một kiệt tác độ phân giải cao, phơi bày ra ánh sáng những chi tiết nhỏ nhặt vốn góp phần hình thành nên danh tính của một ai đó được. Đơn giản là không thể!

Một cảnh "zoom và tăng cường" hình ảnh trong CSI

"Tăng cường" hình ảnh thực ra là thế nào?

Dẫu vậy, một hình ảnh vẫn có thể được tăng cường để hỗ trợ quá trình điều tra. Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia hoặc một nhà quay phim, có thể bạn sẽ quen thuộc với các kỹ thuật này.

Giả sử lực lượng hành pháp thu được một vài đoạn video CCTV quay tại thời điểm tội phạm xảy ra. Nhưng lúc đó là ban đêm, khiến không ai có thể nhìn vào đó và phân biệt được bất kỳ chi tiết hữu ích nào.

Một chuyên gia phân tích hình ảnh pháp y được đào tạo bài bản lúc này sẽ trích xuất một bức ảnh tĩnh và mở nó trong Photoshop – hay một công cụ tương tự khác, như Lightroom hay DarkTable – và điều chỉnh độ tương phản hay biểu đồ màu của nó để làm lộ ra những manh mối quan trọng. Đây chính là kỹ thuật biên tập ảnh cơ bản.

Nhưng trong pháp y, có một sự khác biệt quan trọng. Đã có một thời gian dài, phân tích hình ảnh là một lĩnh vực rối ren, ít bị giám sát hay quản lý. Ngày nay, nó đã thay đổi, và những người thực hiện phân tích hình ảnh pháp y trong khuôn khổ một cuộc điều tra phải tuân thủ một loạt các quy tắc.

Đầu tiên, để bằng chứng họ tìm ra được chấp nhận, nhiều quốc gia yêu cầu nhà phân tích phải có đầy đủ bằng cấp. Họ phải biết điều mình đang làm và phải chứng minh được điều đó. Họ còn phải tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Một nhà phân tích hình ảnh có thể không rành về so sánh khuôn mặt hay giải phẫu học con người, và do đó không nên đưa ra bình luận về những yếu tố đó.

Thứ hai, các nhà phân tích hình ảnh pháp y phải tuân thủ những quy tắc tham gia khám nghiệm thông thường. Các quy tắc này bao gồm việc phải lưu giữ lại hình ảnh gốc – và cả thiết bị lưu trữ gốc, nếu có thể. Họ còn phải ghi chép lại toàn bộ quá trình để một bên thứ ba có thể đi theo các bước thực hiện và đưa ra được những kết quả tương tự.

Những quy tắc nói trên không tập trung vào quy trình kỹ thuật thực sự, mà nhằm đảm bảo bất kỳ bằng chứng nào thu thập được cũng có thể được chấp thuận trước tòa án.

Camera ngày càng hiện đại, khả năng zoom càng cao

camera

Hiện thực chắc chắn không phấn khích như phim khoa học viễn tưởng. Nhưng, cũng như truy dấu một cuộc gọi điện thoại, phim cũng dựa ít nhiều trên sự thật.

Hành động "zoom và làm rõ nét" xuất phát từ một thời kỳ khi hầu hết các camera an ninh có chất lượng tệ hại. Và điều đó tạo ra một thách thức đối với các điều tra viên, trước hết trong việc tìm kiếm nghi phạm, và tiếp theo là kết tội chúng trước tòa. Nghiên cứu được thực hiện bởi các học giả tại Đại học Robert Gordon cho thấy bồi thẩm đoàn hiếm khi kết tội một người dựa trên những đoạn video CCTV chất lượng thấp, bởi nếu họ sai, cả cuộc đời của một người vô tội sẽ bị hủy hoại.

Bạn phải chắc chắn. Và bạn không thể chắc chắn được nếu sử dụng một camera an ninh rẻ mạt.

Hiển nhiên, bây giờ là năm 2020, và mọi chuyện đã khác. Bạn có thể mua một chiếc camera an ninh HD với giá còn rẻ hơn một bữa ăn ở nhà hàng. Một số camera như Wyze Cam có giá bán lẻ chỉ 20 USD nhưng được trang bị cảm biến 1080p và khả năng nhìn đêm. Camera Yi cũng có cấu hình tương tự, với mức giá tương tự.

Và khi những camera như vậy ngày càng phổ biến, nhu cầu "zoom và làm rõ nét" cũng giảm đi. Thay vào đó, việc phân tích hình ảnh dần chuyển sang các tác vụ như điều chỉnh độ sáng, đảm bảo ảnh được lưu giữ và biến đổi sao cho đáp ứng được các tiêu chuẩn trong pháp y.

(Theo Vnreview, HowToGeek)

 

Làm thế nào để mua được một chiếc camera an ninh tốt nhất?

Làm thế nào để mua được một chiếc camera an ninh tốt nhất?

Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhờ hàng xóm trông nom giúp ngôi nhà của chúng ta khi có công việc gì đó xa nhà. Và bạn có một giải pháp thay thế đó là lắp camera an ninh không dây, sử dụng công nghệ và internet để luôn theo dõi mọi thứ diễn ra trong nhà.