Kỳ Sơn là huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú và H'Mông. Điều kiện sống và sản xuất kinh tế gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi dốc và chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Những điều kiện tự nhiên ấy cùng với một phần từ nhận thức, suy nghĩ của một bộ phận người dân khiến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện còn cao. Hiện gần một nửa tổng số hộ dân tại đây thuộc diện hộ nghèo.
Trước những khó khăn đó, huyện Kỳ Sơn linh hoạt huy động nguồn lực tổng hợp từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác của Nhà nước triển khai trên địa bàn nhằm xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp. Hiện huyện đang triển khai 17 dự án, 2 chương trình hỗ trợ cho trên 13.000 lượt hộ nghèo. Đặc biệt huyện đang thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2024 với 7 dự án và 10 tiểu dự án.
Sự hỗ trợ này đã khơi dậy ý chí tự lực vượt qua khó khăn, không chỉ chăm lo lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Vốn là một hộ nghèo của bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, sau khi được vay vốn ưu đãi cùng tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông Moong Văn Chun đã mua dê về nuôi. Sau nhiều nỗ lực chăm sóc, đến nay, đàn dê giống phát triển tốt, giúp gia đình có thu nhập từ việc bán dê thịt với giá trung bình 2,5-3 triệu đồng/con.
Nguồn lãi từ nuôi dê, ông Chun mua thêm bò, lợn giống… và xây dựng thành công gia trại. Năm 2024, gia trại của ông Chun duy trì hơn 200 con dê; đàn trâu, bò hơn 30 con; đàn lợn hơn 20 con và gần 300 con gà, vịt… mang lại thu nhập cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm. Gia đình ông Chun giờ đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã biên giới Nậm Cắn, gia đình ông Lỳ Vả Xênh, ở bản Trường Sơn cũng là một hộ vươn lên thoát nghèo tiêu biểu của huyện. Giống nhiều hộ gia đình ở xã, trước đây, gia đình ông Lỳ Vả Xênh cũng thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy, vì thế những tháng giáp hạt gia đình luôn bị cái đói đeo đuổi.
Cuộc sống kinh tế của gia đình ông Xênh bắt đầu thay đổi kể từ gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò giống để nuôi. Được trao “cần câu” đúng thời điểm, gia đình ông Xênh đã chăm sóc rất cẩn thận, không thả rông ngoài rừng theo phong tục, tập quán. Gia đình ông còn vào ở hẳn trong khu vực sản xuất cũ để lập gia trại chăn dắt bò, chính vì vậy con bò giống của ông phát triển rất tốt.
Năm 2024, mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình ông Xênh đã trở thành một trong những mô hình có quy mô lớn ở vùng đất này. Mỗi lứa nuôi duy trì từ 30-35 con bò mẹ sinh sản, nhờ đó mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình.
Ở xã Mường Lống, ông Vừ Tồng Pó cũng trở thành một trong những điển hình thoát nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi của huyện Kỳ Sơn nhờ biết vận dụng những chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước.
Ông Vừ Tồng Pó chia sẻ năm 2018, khi được Nhà nước hỗ trợ giống gà đen bản địa, hỗ trợ nguồn vốn, ông đã huy động “của để dành” của gia đình và vay thêm 70 triệu đồng để mua máy ấp trứng, máy phát điện để chăn nuôi.
Cách làm này đã giúp ông Pó đã xây dựng được cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện. Đến nay, lò ấp trứng của ông có công suất 1.000 trứng/ lượt ấp, cung cấp trên 1.000 con gà thịt, mỗi đợt xuất chuồng đã đáp ứng cung cấp giống gà đen bản địa cho địa phương, đem lại doanh thu từ 750 - 800 triệu đồng/năm.
Trong các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Kỳ Sơn, chương trình giảm nghèo bền vững bước đầu đã cho hiệu quả tích cực với các dự án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ nhà ở được thực hiện gắn mục tiêu phát triển bền vững, đa chiều. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại Kỳ Sơn hàng năm giảm 3 - 5%, hiện còn 49,68%, dự kiến đến cuối 2025 còn 40%.