Ngày 26/8, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, giảng dạy”.
GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên môn Lịch sử bộ sách giáo khoa Cánh diều, cho hay bên cạnh những ưu điểm, chương trình phổ thông năm 2018 vẫn có những vấn đề cần khắc phục về yêu cầu cần đạt và nội dung kiến thức, đặc biệt ở cấp THCS và THPT.
Theo ông Bình, chương trình môn Lịch sử cấp THCS, nhìn chung khá nặng so với lứa tuổi học sinh ở bậc học này. Ở lứa tuổi các em, tâm - sinh lý còn chưa phát triển ổn định, vững vàng, sự nhận thức còn non nớt, cảm tính, tiếp nhận kiến thức chưa phải ở mức độ lý tính, có chiều sâu... nhưng một khối lượng kiến thức gần như của cả THPT trước đây được “dồn nén” vào THCS.
Nội dung kiến thức khá nặng nề, nhất là ở lớp 9. “Khi chúng tôi viết sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, toàn bộ phần Lịch sử thế giới từ năm 2018 và 20 năm đầu của thế kỷ 21 được đưa vào lớp 9. Hầu như các tác giả dễ dàng nhận thấy điều này. Nhiều người còn so sánh với chương trình Lịch sử lớp 10, lớp 11 (phần chủ đề đã sửa đổi), nội dung kiến trúc chương trình Lịch sử lớp 9 có cảm giác nặng hơn”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, có những nội dung kiến thức thừa, bị lặp trong chương trình ở các lớp. Ví dụ, ở chương trình Lịch sử lớp 7, trong phần thông sử có đề cập đến các cuộc phát kiến địa lí, sau đó lại được đề cập trong phần chủ đề (tất nhiên có đi sâu hơn một chút để đảm bảo yêu cầu tích hợp với phân môn Địa lí).
Hay phần chủ đề chung lớp 8 và lớp 9: “Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông” với yêu cầu cần đạt về quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong lịch sử.
Những chứng cứ lịch sử xác lập chủ quyền ở 2 khối lớp không phân biệt được rạch ròi. Thậm chí, các tác giả viết sách giáo khoa rất khó khăn trong xử lí, làm rõ sự khác biệt yêu cầu này ở 2 khối lớp”, ông Bình nói.
Ngoài ra, ông Bình cho rằng một số yêu cầu cần đạt quá khó đối với lứa tuổi học sinh THCS, hoặc chưa chuẩn gây tranh cãi.
Ví dụ: Mô tả và giải thích được sự phân hoá không triệt để của xã hội nguyên thuỷ ở phương Đông, đối với học sinh lớp 6 – đầu cấp yêu cầu này quá cao và khó.
Có những yêu cầu cần đạt mà các tác giả viết sách khó thực hiện và nếu thực hiện sẽ gây tranh cãi. Ví dụ nêu được phạm vi không gian của nước Văn Lang, Âu Lạc, Phù Nam trên bản đồ hoặc lược đồ rất khó, không thể làm.
Cũng theo ông Bình, có những từ khoá trong yêu cầu cần đạt nêu ra vừa khó vừa không thực hiện được như “đánh giá vai trò của các nhân vật lịch sử”. Nêu được vai trò đã tốt rồi, còn đánh giá nó là việc cực kỳ khó. Hoặc “nêu được diễn biến chính trị, kinh tế, văn hoá ở vùng đất phía Nam”... Có những yêu cầu cần đạt quá chung chung làm cho các tác giả của mỗi bộ sách hiểu cái cụ thể trong cái chung chung ấy khác nhau. Ví dụ, “Châu Á từ năm 1918 đến năm 1945” nhưng lại không có sự gợi ý nói gì điều gì ở Châu Á, tối thiểu cần đề cập đến nước nào…
Những bài đầu (về những vấn đề chung, có tính lý luận) ở lớp 10 mới và khó, thậm chí không ít giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ và kỹ lưỡng về những kiến thức này ở các trường đại học sư phạm. Nhiều nội dung mới và khó chưa được một số cơ sở đào tạo cập nhật như Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam, các cuộc cách mạng công nghiệp trong Lịch sử thế giới, đặc biết là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...
Do đó, ông Bình kiến nghị, sớm phát triển, chỉnh sửa chương trình phù hợp hơn.
Kiến nghị có thêm phần tự luận trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thẳng thắn nói về vấn đề dạy học tích hợp đối với môn Lịch sử và Địa lý ở chương trình phổ thông mới.
“Đây là một vấn đề rất bất cập, đặc biệt ở bậc THCS. Ở đây có những thầy cô giáo hoặc hiệu trưởng từng dạy Lịch sử hiểu rất rõ vấn đề này”, thầy Hiếu nói. Giáo viên bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT tách 2 môn học này ra để việc dạy học được hiệu quả.
“Dạy học tích hợp là tốt, tức là vận dụng kiến thức liên để dạy lịch sử hay hơn, chứ không phải dạy theo kiểu mà chúng ta đang triển khai ở bậc THCS”.
Ngoài ra, góp ý về phương án thi tốt nghiệp THPT với môn Lịch sử, thầy Hiếu nói: “Với phương thức thi trắc nghiệm, bên cạnh những mặt tích cực, cũng nảy sinh những yếu tố có thể nói đánh giá chưa hết được học sinh, đặc biệt trong phân loại học sinh khá và giỏi.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng những sinh viên được học và thi với hình thức trắc nghiệm, chất lượng không tốt bằng những thế hệ sinh viên trải qua kỳ thi tự luận trước đây.
Do đó, tôi đề nghị phương án thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo cần phân bổ trắc nghiệm 70%, tự luận 30%, thay vì trắc nghiệm hoàn toàn như hiện nay. Việc điều chỉnh này sẽ đánh giá chính xác hơn chất lượng của học sinh ở bậc phổ thông và sinh viên trong quá trình đào tạo đại học”.
Góp ý về đổi mới thi cử, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa), đề xuất đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT.
“Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng không đưa vào nội dung thi, giáo viên sẽ thiếu động lực, học sinh thiếu hào hứng, học đối phó và như vậy, chất lượng môn học sẽ khó được nâng lên”, thầy Hiển nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, thầy cô giáo dạy Lịch sử trên cả nước đánh giá những điểm tích cực, hạn chế và khó khăn trong việc triển khai dạy và học Chương trình môn Lịch sử mới; cũng như chia sẻ các vấn đề quan tâm khi triển khai thực hiện chương trình, SGK mới môn học này.
Từ đó, kiến nghị những biện pháp cụ thể nhằm đổi mới cách tiếp cận nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử trong bối cảnh hiện nay.