"Nghề thức đêm, ngủ ngày"
Về làng Thọ Bằng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An dịp này sẽ bắt gặp cảnh người dân đi bắt chuột đồng vô cùng nhộn nhịp. Nhiều năm qua, nơi đây được biết đến là “làng thịt chuột” nổi tiếng.
Trước đây, việc săn bắt chuột xuất phát từ suy nghĩ để giảm thiểu sự phá hoại mùa màng của loài này. Sau một thời gian, chuột săn bắt về được người dân làm thức ăn, món nhậu.
Từ đó, thịt chuột dần trở thành món ăn ''khoái khẩu'' của nhiều người, không ít gia đình đã có thêm nguồn thu nhập, khấm khá lên từ săn bắt con vật phá hoại này.
Dịp này, tranh thủ lúc nông nhàn, hàng trăm người dân nơi đây sắm các dụng cụ như bẫy, lồng… để đi săn bắt chuột khắp nơi.
7h sáng, sau một đêm ròng rã đi đánh bắt ở vùng huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, anh Lê Văn Xuân (SN 1980) mang về gần 40kg chuột các loại đến nhập tại cơ sở thu mua.
“Những vùng có chuột chúng tôi đều tìm đến đánh bắt. Người dân ở các nơi đó rất ủng hộ, còn nhiệt tình mời nước, bánh kẹo và chỉ cho chúng tôi chỗ nào nhiều để đặt bẫy...”, anh Xuân chia sẻ.
Với giá dao động từ 30-50 nghìn đồng/kg, sau một đêm, trừ chi phí, xăng xe anh Xuân thu được hơn 700 nghìn đồng.
“Trước đây đi săn chuột về chúng tôi bày bán tại chỗ, nhưng mấy năm trở lại đây có cơ sở thu mua nên rất thuận tiện, cứ có chuột về lại đem đến để nhập rồi cầm tiền bỏ túi”, anh Xuân phấn khởi.
Là người săn bắt chuột lâu năm, ông Hồ Tình (SN 1959) chia sẻ thêm: Muốn săn được chuột hiệu quả thì phải biết tập tính của nó như nơi trú ngụ nhiều, thời gian đặt bẫy... Sau khi quan sát các lối mòn mà chuột hay đi lại trong các bụi cây, bụi rậm, những người thợ săn sẽ đặt những chiếc bẫy lồng dọc trên các đường đi đó.
“Tranh thủ lúc nông nhàn, chúng tôi vẫn rủ nhau đi săn bắt chuột, dù tuổi đã cao nhưng có thu nhập là mình cứ đi bắt. Hiện nay, người dân đã mở rộng vùng săn bắt bằng các loại bẫy, lồng hiện đại hơn nên đạt hiệu quả lớn”, ông Tình cho hay.
Ngoài việc săn bắt về nhập cho thương lái, nhiều người dân ở địa phương cũng làm thịt chuột sạch để bày bán. Giá bán dao động từ 50-80 nghìn đồng/kg.
Thu nhập cao lúc nông nhàn
Gần 8h sáng, tại cơ sở thu mua chuột đồng của ông Cung Đình Mậu (SN 1978, xóm 1 - Thọ Bằng, xã Đức Thành) vô cùng tấp nập người đến để nhập hàng.
Người dân từ các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… mang chuột đến bán. Trung bình mỗi ngày cơ sở này thu mua từ 5 tạ đến cả tấn chuột, sau đó đem đi các tỉnh thành phía Bắc để tiêu thụ.
“Cứ sau mỗi đêm đánh bắt, người thấp nhất đem chuột đến đây bán được từ 200 – 300 nghìn đồng, người nhiều thì 1 - 2 triệu đồng. Có nguồn thu nhập tốt nên họ rất phấn khởi để đi đánh bắt”, ông Mậu chia sẻ.
Bí thư chi bộ xóm 1 – Thọ Bằng, ông Cung Đình Hoàn cho biết, toàn xóm có gần 330 hộ với trên 1.100 nhân khẩu, lúc nào cũng có gần 100 người thường xuyên đi săn bắt chuột. Trên địa bàn xóm hiện có 3 điểm thu mua, trung bình sẽ mua từ 5 tạ đến 1 tấn chuột/ngày.
Chỉ về những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ở trong xóm, ông Hoàn vui mừng cho biết: “Nghề săn bắt chuột có từ khi nào chúng tôi không nhớ nữa nhưng ở vùng quê lúa này, mỗi khi lo việc mùa màng xong xuôi, người dân thường đi săn bắt để kiếm thêm thu nhập. Từ đó, nhiều gia đình đã khấm khá, vươn lên thoát nghèo...”.
“Mặc dù không phải là nghề chính nhưng địa phương khuyến khích bà con tham gia săn bắt chuột, vừa bảo vệ mùa màng, lại vừa phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, việc săn bắt chuột đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống tốt hơn”, một lãnh đạo UBND xã Đức Thành nói.