Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) là tuyến cuối của khu vực phía Nam chuyên điều trị về ung bướu. Sau hơn một năm vào hoạt động, dù được đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường, nhưng đến nay bệnh viện đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Hiện nơi này có khoảng 500-600 bệnh nhân đợi đến lượt xạ trị ung thư, trung bình mỗi người phải đợi từ 4-6 tuần mới tới lượt.
Từ 5-6 h sáng mỗi ngày, hàng nghìn người bệnh đã có mặt tại bệnh viện để xếp hàng bốc số. Người bệnh đến điều trị từ nhiều tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk… Nhiều người thuê phòng trọ gần bệnh viện để sáng sớm kịp có mặt xếp hàng.
Lực lượng bảo vệ và nhân viên công tác xã hội phải đi lại liên tục nhằm kiểm tra, phòng ngừa cò mồi hoặc kẻ xấu lợi dụng đông người móc túi và nhắc nhở người dân tuân thủ xếp hàng. Tại khu hoá trị, xạ trị, người bệnh, thân nhân cũng ngồi đợi kín các hàng ghế chờ đến lượt.
Chị H’Lyn, dân tộc Ê-đê (Đắk Lắk) cho biết, đưa chị gái bị ung thư vú giai đoạn 2 xuống TPHCM từ đêm trước, 4h sáng đã vào bệnh viện xếp hàng để chờ lấy thuốc, đến 11h vẫn chưa đến lượt. Mỗi tháng, chị đưa chị gái xuống bệnh viện lấy thuốc một lần.
Tại khu vực xạ trị, nhiều bệnh nhân ung thư cho biết, từ khi có chỉ định cho đến lúc được xạ trị phải chờ đợi cả tháng.
Vừa thực hiện xong đợt xạ trị 5 tuần, bà L.T.K.L (80 tuổi) bị ung thư trực tràng cho biết, từ khi có chỉ định của bác sĩ, bà phải đợi 4 tuần mới đến lượt chạy tia.
Gần 2 tháng nay, bà cùng con trai từ Đắk Lắk xuống TPHCM thuê nhà trọ gần bệnh viện với giá 130.000 đồng/ngày, để xạ trị.
Bác sĩ tăng ca đến khuya, bệnh nhân vẫn chờ xạ trị cả tháng
Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4.700 - 4.800 người đến khám, 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 trường hợp ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Trung bình một người phải chờ 4-6 tuần mới đến lượt chạy tia dù bác sĩ phải tăng ca đến khuya.
Trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị có 80-85% bệnh nhân tới từ các tỉnh, thành khác, trong khi trước đây tỷ lệ này chỉ khoảng 75%.
"Bệnh viện sở hữu nhiều máy xạ trị nhất Việt Nam, với 13 máy gia tốc, y bác sĩ phải làm đến 10h đêm song bệnh nhân vẫn phải chờ xạ trị lâu" - TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh nói.
Không chỉ hoá, xạ trị, bệnh nhân chụp MRI cũng phải chờ khoảng 3 ngày mới đến lượt do bệnh viện chỉ có 1 máy đang hoạt động, 1 máy cũ đã hỏng hiện đang để tại cơ sở 1. Để giải quyết tình thế trước mắt, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Bệnh viện Hồng Đức hỗ trợ chụp MRI cho bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu.
Đối với bệnh nhân có chỉ định mổ cũng phải chờ 3-4 tuần mới được xếp lịch phẫu thuật.
Trước tình hình quá tải hiện tại, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải cho người bệnh. Chẳng hạn, tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh từ 5h sáng, tăng số ca xạ trị bắt đầu từ 5-22h, một số dịch vụ xét nghiệm được làm xuyên trưa, triển khai mổ ngoài giờ, mổ vào thứ 7…
Bệnh viện sắp xếp ưu tiên không cần theo thứ tự các trường hợp cần phải xạ gấp, là những trường hợp nặng, u ác tính. Với những bệnh nhân cần điều trị bổ túc sau mổ, lành tính, chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị thì chờ lâu hơn.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh cho rằng, các bệnh nhân có khuynh hướng tập trung đến những cơ sở xạ trị, trung tâm ung thư có uy tín lâu năm, trong khi đó, nhiều nơi lại vắng vẻ, chưa khai thác được hiệu quả nguồn lực. Do vậy phải tìm các giải pháp để "chia lửa", nâng cao chất lượng điều trị ung thư cho các bệnh viện tuyến dưới để giữ chân người bệnh.
Bên cạnh đó, vấn đề liên kết vùng trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho tuyến trên. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối, trong đó có Bệnh viện Ung bướu, phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các bệnh viện tỉnh.
Từ đó, nâng cao năng lực điều trị bệnh lý ung thư nói riêng và các bệnh lý khác nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân địa phương.